Năm 2017 là một năm đáng nhớ đối với làng công nghệ thế giới. Như thông lệ, hãng thông tấn Fox News vừa công bố danh sách các sự kiện chấn động nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay, trong đó nổi lên những cái tên như iPhone X, Bitcoin hay WannaCry.
Apple trình làng iPhone X
Cùng với iPhone 8 và iPhone 8 Plus, Apple lần đầu tiên chính thức giới thiệu iPhone X với thế giới vào tháng 9. Trong đó, iPhone X là mẫu máy cao cấp nhất của đại gia công nghệ Mỹ trong năm 2017, kỷ niệm 10 năm trình làng dòng sản phẩm iPhone.
Trong buổi ra mắt, CEO Apple Tim Cook mô tả iPhone X là "một sản phẩm sẽ mở đường cho công nghệ của thập kỷ tiếp theo". Thiết bị sở hữu màn hình OLED 5,8 inch mới cùng công nghệ nhận diện mặt Face ID tân tiến, có thể dùng để mở khóa iPhone hoặc cho giao dịch qua Apple Pay. Dù vẫn có các quan ngại về khả năng bảo mật của Face ID nhưng Apple nhấn mạnh, công nghệ mới này vẫn có tính bảo mật tốt hơn công nghệ tiền nhiệm - cảm biến vân tay Touch ID.
iPhone X bắt đầu lên kệ vào ngày 3/11. Máy bán khá chạy dù giá bán lẻ cao ngất ngưởng, từ 999 USD. Apple đang nỗ lực để tăng đáng kể nguồn cung thiết bị cho thị trường, bất chấp các đồn đoán trước đây về sự khan hàng do trục trặc trong khâu sản xuất.
Các vụ tấn công của mã độc tống tiền WannaCry
Hồi tháng 5, mã độc tống tiền (ransomware) WannaCry đã tấn công hàng trăm ngàn máy tính khắp thế giới. Các hacker phát tán nó đòi các nạn nhân phải trả tiền chuộc bằng tiền ảo Bitcoin để lấy lại dữ liệu của họ. Đây được tin là vụ tống tiền trực tuyến lớn nhất trong lịch sử loài người.
Sự cố WannaCry đã làm tê liệt hệ thống bệnh ở Anh, mạng lưới đường sắt quốc gia Đức và hàng loạt hệ thống máy tính của nhiều công ty, nhà máy và cơ quan chính phủ khắp thế giới.
Nhà nghiên cứu bảo mật Marcus Hutchins rốt cuộc đã phát hiện ra "gót Asin" của WannaCry, giúp ngăn chặn sự phát tán của ransomware này cũng như hạn chế các tổn hại do nó gây ra. Bất chấp các nỗ lực trên, Hutchins đã bị bắt ở Mỹ với cáo buộc tạo ra một phần mềm độc hại khác, có tên Kronos.
Theo công ty an ninh mạng Symantec, thủ phạm gây ra các cuộc tấn công WannaCry nhiều khả năng là các hacker làm việc cho CHDCND Triều Tiên. Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và một số cơ quan, tổ chức khác, kể cả Microsoft cũng quy WannaCry cho CHDCND Triều Tiên. Song, chính quyền Bình Nhưỡng đã thẳng thừng phủ nhận liên quan đến sự cố.
Những bê bố ở Thung lũng Silicon
Năm 2017 ghi dấu nhiều bê bối của các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon, trong đó phải kể đến Google, Facebook và Amazon.
Google và chủ tịch của công ty - Eric Schmidt, được cho là đã tác động khiến nhóm cố vấn New America (tổ chức tự miêu tả sứ mệnh của mình là "đổi mới nền chính trị, sự thịnh vượng và mục đích của nước Mỹ trong Kỷ nguyên số") cắt đứt quan hệ với một thành viên của tổ chức, sau khi ông công khai chỉ trích Google cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của một tòa án Liên minh châu Âu về việc phạt Google 2,7 tỉ USD tội vi phạm luật chống độc quyền.
Amazon cũng bị chỉ trích về quy mô cũng như việc công ty dường như phá hỏng mọi ngành công nghiệp mình tham gia, kể cả ngành hàng tạp phẩm. Hồi đầu năm nay, đai gia thương mại điện tử này đã mua lại Whole Foods, chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm ở Mỹ với giá 13,7 tỉ USD.
Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần lên án Amazon vì nhiều lí do khác nhau. Ví dụ, ông Trump cáo buộc công ty đã không trả "các loại thuế phí Internet" và "đang gây tổn hại lớn đến các nhà bán lẻ có đóng thuế".
Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu chính phủ Mỹ và các chính phủ khác trên khắp thế giới có đủ sức mạnh pháp lý hoặc giải pháp để kiểm soát các đại gia công nghệ Mỹ cũng như ngăn họ lạm dụng ảnh hưởng.
Ảnh hưởng của Nga đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016
Các nhà nghiên cứu độc lập cũng như các cơ quan điều tra Mỹ phát hiện, các điệp viên Nga đã âm mưu tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thông qua mạng xã hội.
Hồi tháng 9, Facebook thông báo, các điệp viên Nga đã tài trợ 100.000 USD cho các tổ chức có quan hệ với chính phủ Nga đăng những quảng cáo thiếu trung thực. Cuộc điều tra riêng rẽ của Twitter cũng rút ra các kết luận tương tự.
Tất nhiên, chính phủ Nga và những tổ chức, cá nhân được nhắc tên đã bác bỏ những cáo buộc trên.
Bitcoin và sự trỗi dậy mạnh mẽ của tiền ảo
Bitcoin, một loại tiền ảo được nhiều người tin có thể thay thế cho đồng USD, đã thực sự phát triển bùng nổ trong năm 2017. Giá quy đổi của một đồng Bitcoin (BTC) chỉ không đầy 1.000 USD/BTC vào đầu năm nay, nhưng đến cuối tháng 11 đã vượt mốc 10.000 USD/BTC.
Các đồng tiền ảo khác, chẳng hạn như một loại tiền ảo mới phân tách từ Bitcoin và Ethereum, cũng tăng mạnh giá trị. Điều đó dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng, cơn sốt tiền ảo hiện nay thực chất là một hiện tượng "bong bóng thị trường", gợi nhắc đến "Hội chứng hoa tulip" hay “Bong bóng Uất kim hương”, diễn ra trong thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Hà Lan vào những năm 1600.
Nintendo tái xuất
Nintendo quay trở lại tâm điểm chú ý nhờ sự ăn khách của các sản phẩm tay cầm chơi game mới của hãng, nhất là Nintendo Switch. Sản phẩm có giá 299 USD này đã gây sốt toàn thị trường game và trở thành sản phẩm bán chạy nhất dịp lễ Tạ Ơn và giảm giá Black Friday vừa qua, theo thống kê của Adobe.
Nintendo cũng ăn nên làm ra khi phát hành các sản phẩm hoài cổ như các tay cầm chơi game NES Classic và SNES Classic. Đây là những mẫu thiết bị giúp các game thủ có thể chơi các game của Nintendo từng làm mưa làm gió trên thị trường giai đoạn 1980 - 1990.
Làn sóng tấn công của hacker
Dường như cứ mỗi ngày trong năm 2017, công chúng lại phải đón nhận một tin buồn về một vụ hacker tấn công mới nào đó trên thế giới. Tuy nhiên, sự cố tấn công, đánh cắp dữ liệu của Equifax có lẽ thu hút nhiều sự chú ý nhất. Hãng báo cáo tín dụng hàng đầu Mỹ thừa nhận, dữ liệu của gần một nửa công dân nước này đã bị rò rỉ.
Trong số các vụ hacker tấn công nghiêm trọng khác trong năm phải kể đến sự cố của Yahoo và gần đây là Uber.
Tuấn Anh Vietnamnet (Theo Fox News)