Hiệp hội Internet Việt Nam, các nhà báo CNTT đã tiến hành bình chọn và công bố 10 nhân vật được đánh giá là có nhiều đóng góp cho phát triển Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ (2007 – 2017).
Ngày 22/11/2017, Hiệp hội Internet đã công bố kết quả bình chọn 10 cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ (2007 - 2017). 10 cá nhân này được bình chọn trên danh sách 21 cá nhân được đề cử do các nhà báo theo dõi lĩnh vực CNTT, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đề cử. Các đề cử và bình chọn dựa trên các tiêu chí như: Cá nhân có đóng góp xuất sắc, hiệu quả về chính sách, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển thuê bao Internet, đưa dịch vụ truy cập Internet đến với nhiều người dân, cá nhân có đóng góp xuất sắc về phát triển ứng dụng, dịch vụ gia tăng, dịch vụ nội dung số trên Internet cho người dùng Việt Nam, cá nhân có đóng xuất sắc cho việc thúc đẩy môi trường Internet an toàn, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh đối với kinh doanh Internet tại Việt Nam.
Dựa trên các tiêu chí trên, các nhà báo theo dõi lĩnh vực CNTT, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Internet Việt Nam và độc giả đã chọn ra 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ. Dưới đây là danh sách 10 nhân vật được sắp xếp theo vần ABC:
Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT
Năm 1988, ông Trương Gia Bình cùng với 12 nhà khoa học khác đã thành lập ra Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty Cổ phần FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT đã trở thành Công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu của Việt Nam. Tập đoàn FPT với sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình trở thành tập đoàn hàng đầu về cung cấp dịch vụ Internet và nội dung số.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC
Ông Nguyễn Trung Chính là một trong hai thành viên sáng lập và đóng vai trò trụ cột quan trọng nhất đưa CMC từ một Công ty tin học 20 thành viên vào năm 1993 trở thành Tập đoàn Công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với gần 2.300 cán bộ nhân viên cùng doanh thu lên tới 163 triệu USD vào năm 2016. Từ năm 1995 đến 2011, ông Chính cùng các cộng sự lần lượt thành lập các công ty thành viên quan trọng của CMC như CMC SI Hà Nội, CMC Software, CMC P&T, CMC, CMC Ciber, CMC Infosec, CMC Telecom, CMC SI Sài Gòn. Cũng trong năm 2016, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT liên doanh CMC Telecom và là người định hướng, hoạch định chiến lược phát triển CMC Telecom - doanh nghiệp viễn thông Internet 100% vốn tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển thị trường Internet mang tính cạnh tranh hơn. Bằng việc liên doanh với Tập đoàn Time dotCome của Malaysia, CMC Telecom đã kết nối cung cấp dịch vụ viễn thông (bao gồm Internet) đạt tiêu chuẩn quốc tế tới 21 quốc gia trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế hình ảnh của Internet Việt Nam nói riêng, viễn thông nói chung lên một tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được ghi nhận trong việc làm bùng nổ dịch vụ di động băng rộng tại Việt Nam khi có quyết định chiến lược táo bạo mà ít các nhà mạng trên thế giới dám thực hiện là đầu tư mạng 3G rộng như mạng 2G phủ sóng tới hầu hết diện tích dân số của Việt Nam từ thành thị đến miền núi, hải đảo xa xôi. Với chiến lược đầu tư rộng này thuê bao 3G của Việt Nam đã phát triển mạnh và tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ Internet cho nhiều người dân Việt Nam. Hiện Viettel đang là nhà mạng có số thuê bao 3G lớn nhất và chiếm một nửa thuê bao 3G của cả Việt Nam. Tiếp nối chiến lược đầu tư 3G, Viettel cũng tuyên bố phủ sóng 4G rộng như 2G. Hiện Viettel đã phủ sóng 4G đến hầu hết diện tích dân số của Việt Nam và tạo cơ hội cho người dân Việt Nam tiếp cận 4G ở khắp nơi. Cho đến thời điểm này, Viettel là nhà mạng có vùng phủ 4G rộng nhất và thuê bao 4G nhiều nhất tại Việt Nam.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT
Nhiều năm nay, VNPT được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định lớn nhất. Tuy nhiên, đến khi ông Trần Mạnh Hùng tiếp nhận nhiệm vụ chèo lái con thuyền VNPT thì VNPT thì đã làm cho thuê bao Internet cáp quang của nhà mạng này phát triển bùng nổ. Nhờ định hướng chiến lược, VNPT đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet cáp quang mạnh nhất hiện nay. Bên cạnh dịch vụ Internet băng rộng cố định, ông Trần Mạnh Hùng cũng đưa VinaPhone từ một mạng có vùng phủ 3G hạn chế trở thành nhà cung cấp dịch vụ 3G có vùng phủ rộng nhất từ năm 2016.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam
Ông Vũ Hoàng Liên, đã có một thời gian dài dẫn dắt Công ty VDC – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ, Internet của VNPT và là công ty có thị phần Internet lớn nhất tại Việt Nam. Sau đó, ông Vũ Hoàng Liên đóng vai trò Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. Hiệp hội này đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam thông qua việc tư vấn phản biện, chính sách, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xu hướng phát triển Interrnet. 1 thập kỷ trước ông Vũ Hoàng Liên được bình chọn top 3 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG
Ông Lê Hồng Minh là Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VNG – Doanh nghiệp Công nghệ thông tin, Internet hàng đầu tại Việt Nam. Tháng 9/2004, ông Minh cùng với các thành viên khác, sáng lập Vinagame (nay là VNG) với mô hình “khởi nghiệp sáng tạo” đầy sức trẻ và khát vọng phát triển từng “mảnh đất” trong lĩnh vực dịch vụ nội dung số mà bắt đầu với mảng “trò chơi trực tuyến” tại Việt Nam. Với đam mê công nghệ, tầm nhìn và kinh nghiệm của một chuyên gia tài chính, ông Minh đã dẫn dắt VNG chấp nhận thách thức để có những bước tiên phong thành công. Đến nay, VNG đã nhanh chóng chuyển mình trở thành một doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực Nội dung số, dịch vụ công nghệ trên Internet, với nhiều sản phẩm được đông đảo người dùng nhiều tầng lớp công nhận, như: mạng xã hội, tin tức, giải trí, thanh toán, thương mại điện tử …
Bên cạnh những thành công trong kinh doanh, sau những năm đầu ra đời, Quỹ cộng đồng người sử dụng Internet Vietnam (gọi tắt là VNIF) đã được cấp phép và hoạt động bởi Chủ tịch Quỹ là ông Lê Hồng Minh. Đồng hành với sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”, ông Minh cùng VNIF đã thường xuyên hỗ trợ các dự án trang bị công nghệ thông tin đến với những vùng sâu xa của Đất nước, nổi bật là chuỗi hoạt động “Đưa Internet về làng” kết hợp cùng các Tổ chức đến với nhiều lĩnh vực của cuộc sống người Việt, đó là: Công nghệ thông tin, Giáo dục, Y tế… và cũng không quên vai trò đóng góp chung với cộng đồng trong những hoạt động kết nối thiện nguyện, tri ân, cứu trợ thiên tai bão lũ…
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav
Người sáng lập Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO). Bkav và Nguyễn Tử Quảng được biết đến từ phần mềm diệt virus cùng tên trên các máy tính từ năm 1995. Trải qua quá trình phát triển, thương hiệu Bkav còn được biết đến với những lĩnh vực khác như An ninh mạng, Nhà thông minh SmartHome, Chính phủ điện tử… và điện thoại thông minh Bphone. Trong đó, doanh thu lớn nhất của BKAV đến từ phần mềm diệt virus do chính công ty phát triển. Gần đây, ông Nguyễn Tử Quảng đang muốn hiện thực hóa khát vọng smartphone cao cấp “made in Vietnam” và đã bỏ ra 500 tỷ đồng để làm sản phẩm này.
Ông Nguyễn Tử Quảng được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam vào năm 1998 và là Hiệp sỹ CNTT do cộng đồng và tạp chí eChip bình chọn vào năm 2003. Năm 2012, ông được vinh danh là Người tiên phong đặt nền móng cho lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam do VnExpress tổ chức bình chọn. CEO Nguyễn Tử Quảng cũng là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu của Thập kỷ (2000 - 2010) do Câu lạc bộ nhà báo CNTT bình chọn.
Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT
Ông Lê Nam Thắng được biết đến là người trực tiếp quản lý lĩnh vực viễn thông và Internet Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông Lê Nam Thắng được cho là người có tư tưởng mở cửa, cạnh tranh và tạo sự bình đẳng trên thị trường viễn thông và Internet. Với những chính sách cởi mở, Internet của Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua.
Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpress
Từ bỏ chức vụ Trưởng ban Thời sự của một tờ báo lớn, ông Thang Đức Thắng đã gia nhập FPT xây dựng báo điện tử VnExpres vào năm 2001, với mong muốn “một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo”. Ông Thang Đức Thắng đã đưa VnExpress trở thành tờ báo điện tử số 1 tại Việt Nam hiện nay. Đến nay, theo Google Analytics, VnExpress có 46 triệu người đọc thường xuyên (user), tạo ra 15,8 tỷ lượt truy cập (pageview).
Ông Mai Liêm Trực, Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông
Một thập kỷ trước, ông Mai Liêm Trực được bầu chọn là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ khi mà ông đóng vai trò đầu tầu trong việc thuyết phục và dám “thế chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện của mình để tạo niềm tin cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa Internet vào Việt Nam năm 1997. Từ năm 2007 đến nay, ông Mai Liêm Trực đóng vai trò như một chuyên gia có uy tín phản biện chính sách, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý tại nhiều hội thảo, hội nghị về lĩnh vực CNTT và Internet hay thúc đẩy 3G và 4G sớm được cung cấp tại Việt Nam. Ông Mai Liêm Trực còn tham gia nhiều ban giám khảo các cuộc thi liên quan đến lĩnh vực ICT, trong đó nhiều giải thưởng trong lĩnh vực ICT ông cũng đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Các ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của ông Mai Liêm Trực có ảnh hưởng lớn đến cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Theo Dân trí