Ngày 31/10, các trang mạng hàng đầu thế giới đã lên tiếng bảo vệ các biện pháp an ninh của mình, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực ngăn chặn việc truyền bá các tin tức giả mạo trên mạng xã hội.
(Nguồn: eurojewcong.org)
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau những cáo buộc của công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan đến cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và mối liên hệ giữa các thành viên tham gia chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đắc cử Donald Trump và Moskva.
Phát biểu trong phiên điều trần tại Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về tội phạm và khủng bố, các luật sư của Google, Facebook và Twitter đã tiết lộ một thông tin mới đáng chú ý khi thừa nhận trên thực tế đã có hàng triệu người dân Mỹ tiếp cận với các thông tin giả mạo so với những ghi nhận trước đó.
Luật sư của Facebook Colin Stretch cho biết khoảng 126 triệu người dùng "face" tại Mỹ, nhiều khả năng chiếm một lượng lớn số cử tri đi bỏ phiếu, đã đọc các mẩu chuyện, bài viết hoặc các nội dung có yếu tố Nga.
Trong khi đó, luật sư của Twitter Sean Edgett cũng thừa nhận hãng đã phát hiện và đóng 2.752 tài khoản có yếu tố Nga, gần gấp 14 lần so với con số tài khoản mà Twitter đã thông báo với các ủy ban quốc hội ba tuần trước đó. Cả ba công ty đều cam kết sẽ có những bước đi cần thiết để ngăn chặn việc phát tán các thông tin giả mạo và mang tính khiêu khích một cách hiệu quả hơn trong tương lai.
Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi công tố viên đặc biệt Mueller công bố các bản cáo trạng nhằm vào hai cựu thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump. Theo đó, cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, Paul Manafort, và đồng sự Rick Gates đã bị cáo buộc 12 tội danh từ rửa tiền, âm mưu chống lại nước Mỹ...
Tuy nhiên, tại tòa án liên bang ở Washington, cả hai nhân vật này đều đã bác bỏ mọi cáo buộc. Hai ông này đã được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Phía Nhà Trắng sau đó tuyên bố các bản cáo trạng nhằm vào hai thành viên trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống đắc cử Trump không liên quan tới cá nhân tổng thống hoặc chiến dịch tranh cử của ông, và cũng không cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa chiến dịch này và Nga.
Những cáo buộc liên quan đến mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga đã phủ bóng đen trong suốt những tháng cầm quyền đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng. Cho đến nay, Tổng thống Trump bác bỏ mọi cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga và gọi cuộc điều tra này là một cuộc "săn phù thủy." Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc điều tra hoạt động tài chính của ông và cảnh báo hành động này của ông Mueller sẽ vượt qua "giới hạn đỏ."
Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bị cáo buộc tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Moskva luôn bác bỏ những cáo buộc này./.
Theo TTXVN/Vietnam+