Sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu thế giới BTC-E mới bị chính phủ Mỹ thu lại tên miền khiến nhiều người đầu tư vào tiền ảo này hoang mang.
Tiền ảo Bitcoin là gì? / Tại sao cả thế giới điên cuồng vì tiền ảo Bitcoin
Hoàng Tùng, quản lý của một nhóm trên mạng xã hội chuyên thảo luận về đề tài Bitcoin và các loại giao dịch tiền ảo, cho biết, anh đã "bập" vào thú chơi này từ năm 2010.
Những ngày đầu, Tùng đã bỏ vào đó lượng vốn khá lớn so với thu nhập của anh thời điểm đó để mua linh kiện, lắp máy, cài phần mềm rồi mày mò sao cho hệ thống hoạt động tối ưu và ổn định. Thời gian này, Tùng gặp đầy khó khăn, đặc biệt khi đó, các công ty máy tính ở Hà Nội đồng loạt chung tay không bán hàng cho người chơi Bitcoin. Thậm chí, các linh kiện gặp vấn đề cũng sẽ không được bảo hành nếu bị phát hiện là dùng để "cày" tiền ảo.
Lúc đó, ngoài việc phải lo lắng về tiền điện tiêu thụ, giá Bitcoin lên xuống, Tùng thậm chí còn mất thời gian suy nghĩ về cả độ cày tiền ngày càng khó do giá tiền ảo tăng mạnh, thu hút nhiều người tham gia.
"10 năm trước 10.000 Bitcoin có giá chỉ bằng 2 chiếc pizza, có ai nghĩ được rằng giờ chúng được 45 triệu USD đâu", Tùng kể.
Việc tìm mua card đồ họa thích hợp là khó khăn lớn nhất của người cày Bitcoin (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hiện tại, Tùng vẫn hứng thú với tiền ảo nhưng đã chuyển sang hai loại khác là ETH và ZEC. Dù chưa nổi tiếng bằng Bitcoin, độ khó của chúng cũng đã tăng lên cao hơn nhiều so với trước đây.
Theo quan điểm của Tùng, hiện tại thị trường Bitcoin đang trở thành điểm nóng và cũng là một kênh lưu trữ tài sản khá an toàn cho những người có tiềm lực tài chính bởi đồng tiền ảo này đã được khá nhiều quốc gia, tổ chức lớn công nhận. Với những người mong muốn tham gia vào thị trường Bitcoin, Tùng cho rằng hãy thử "đào" hoặc "lướt sóng", nếu có nguồn tiền dôi dư. Còn muốn tích trữ cho tương lai, nên đầu tư vào công nghệ "blockchain". "Tuy nhiên nếu là tiền vay mượn, tuyệt đối không nên đầu tư vào tiền ảo vì đây là thứ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, điển hình là vụ Mr.Gox, hay gần đây nhất là sàn BTC-E", anh nói.
Mr.Gox là biệt danh của Mark Karpeles, Giám đốc điều hành sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox. Ông đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt vào năm 2015 với cáo buộc thao túng tài khoản tiền mặt trong vụ bê bối gây thiệt hại đến 22,6 triệu USD.
Còn hôm 25/7 vừa qua, sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu thế giới BTC-E đã bị chính phủ Mỹ bất ngờ thu lại tên miền, đứng trước khả năng bị đóng cửa vĩnh viễn. Sự cố này đã gây hoang mang cực độ đến giới đầu tư thế giới trong đó có Việt Nam. Sau đó vài ngày, một số thông tin cho biết sàn Bitcoin này sẽ hoàn lại một phần số tiền cho khách hàng từ những gì còn lại sau khi bị FBI tịch thu.
Dàn máy đào tiền ảo khiêm tốn của Hoàng Tùng (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thành Trung (Hà Nội), một người đã có nhiều năm kinh nghiệm chơi Bitcoin, cho biết hiện có ba cách để kiếm tiền thông dụng từ đồng tiền ảo này.
Đầu tiên là "đào" từ hệ thống. Tuy nhiên, do độ khó đã tăng cao, một dàn máy trị giá 34 triệu đồng chỉ thu về tầm 4 tới 5 triệu đồng sau khi trừ chi phí mỗi tháng. Nếu không tìm hiểu kỹ thị trường mà đi theo hướng này, nhà đầu tư sẽ "ôm hận" khi tiền lãi không thể bù nổi chi phí hoạt động.
Cách thứ hai là "lướt sóng", mua đi bán lại các loại tiền ảo trên thị trường giống như chơi chứng khoán. Anh Trung cho biết có người đã đầu tư cả chục tỷ đồng chỉ để lướt sóng thời gian gần đây. Thu nhập từ hướng này đối với người biết chơi dao động từ 20 đến 30 triệu đồng, với số vốn bỏ ra ban đầu khoảng 100-120 triệu đồng. Nếu số vốn nhiều hơn, khả năng thu về sẽ nhiều hơn. Còn một biện pháp khác là "ôm coin đường dài", tức mua về và chờ đợi đến khi nào giá thật cao thì bán ra. Cách làm này mang lại rủi ro thấp nhưng đòi hỏi người chơi phải có sự kiên trì.
Cách cuối cùng để kiếm tiền từ Bitcoin là tạo nên hoặc tham gia một cộng đồng những người cùng chí hướng với số lượng lên tới cả nghìn người. Khi đó, chủ nhóm sẽ mua tiền ảo giá rẻ với số lượng lớn và kêu gọi các thành viên vào mua cùng để đẩy giá thị trường lên. Khi tới mức giá phù hợp, tất cả những người này sẽ cùng bán ra. Rủi ro ở đây là "ai chậm chân sẽ chết" và các nhóm như thế này cũng không hoạt động liên tục. Tiền lãi thu được từ các đợt đầu cơ này khá lớn và thường được sử dụng để tái đầu tư mua thiết bị chuyên dụng để tiếp tục cày Bitcoin.
"Tôi nghĩ nếu chưa tìm hiểu kỹ, bạn không nên tham gia vào thị trường này bây giờ", Trung nhận xét.
Giá Bitcoin lên xuống thất thường khiến chính những người trong cuộc cũng cảm thấy bất an.
Trong khi nhiều người háo hức và cảm thấy hứng thú với tiền ảo Bitcoin, nhiều người khác lại rất e dè và lo ngại. Trong đó có các công ty máy tính. Cho dù mỗi bộ máy tính để cày Bitcoin có giá hàng chục triệu đồng nhưng các cửa hàng lại rất sợ bán linh kiện cho các đối tượng này.
Ông Đào Tiến, đại diện công ty máy tính An Phát, cho biết, có bốn lý do khiến các cửa hàng không muốn bán đồ cho người chơi Bitcoin. Đầu tiên, việc cày tiền ảo sẽ khiến các linh kiện bị hư hại rất nhanh và nhiều. Thứ hai, khi một người chơi Bitcoin mua nhiều card đồ họa, các bộ máy chơi game sẽ không thể bán được. Thứ ba, xu hướng đào Bitcoin sẽ đẩy giá card đồ họa lên cao, dẫn tới khách hàng, đặt biệt là đối tượng game thủ sẽ trở nên ít đi. Cuối cùng, sau một thời gian hết hạn sử dụng, dân cày sẽ xả card đồ họa cũ ra khiến thị trường linh kiện rơi vào tình trạng ứ đọng.
"Chúng tôi có những cách riêng để phát hiện card đồ họa được dùng để đào Bitcoin, như kiểm tra đầu cấp điện của linh kiện. Tất cả hư hỏng do sử dụng thiết bị để đào tiền ảo đều sẽ không được bảo hành", ông cho biết.
Việt Nam mới đây đã chính thức có đề án quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Trong tương lai gần, các hình thức tiền ảo như Bitcoin sẽ được cân nhắc chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp.
Theo Mai Anh/VnExpress