Trong các chuyến đi hỗ trợ tuyển sinh, Lê Trần Phú, sinh viên tài chính - ngân hàng Trường ĐH Công Thương TP HCM, có dịp khám phá vẻ đẹp của nhiều tỉnh, thành.
Tuy thế, Phú nhận thấy ở nhiều nơi, rác thải không được xử lý tốt, làm ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên cũng như hiệu quả của ngành du lịch. Hình ảnh những "núi" rác ven đường, túi ni-lông, vỏ chai nhựa... ngổn ngang đã thôi thúc Phú bắt tay thực hiện một dự án bảo vệ môi trường với hy vọng tạo ra sự thay đổi tích cực.
Năm 2023, Phú làm nhóm trưởng, cùng với Huỳnh Nguyễn Thúy Uyên, Nguyễn Thị Thu Thuận, Lê Nguyễn Minh Anh thành lập dự án sản xuất gạch lát nền từ rác thải nhựa. Sau gần 1 năm cả nhóm "ăn, ngủ cùng rác", viên gạch đầu tiên được thành hình. Theo nhóm nghiên cứu, để tạo ra một viên gạch có kích thước 30 cm x 30 cm, cần khoảng 3 kg rác thải nhựa. Đặc biệt, gạch làm từ rác thải nhựa có trọng lượng nhẹ hơn đến 30% so với gạch thông thường cùng kích thước và có độ bền cao.
Minh Anh, thành viên của nhóm, cho biết sau khi thu gom rác, nhóm sẽ phân loại và chuyển rác đến nhà máy để xử lý thành hạt nhựa. Sau đó, hạt nhựa được trộn với một số chất hỗn hợp đã nghiên cứu để tạo độ kết dính, xử lý chống cháy, mài nhẵn bề mặt và kiểm tra viên gạch. Theo thành viên này, khó khăn lớn nhất của nhóm là việc tìm ra tỉ lệ pha trộn thích hợp giữa các nguyên liệu để tạo ra sản phẩm thô ban đầu.
Ưu điểm của gạch lát nền làm từ rác thải nhựa là có độ bền cao và nhẹ hơn khoảng 30% so với gạch lát thông thường cùng kích thước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Theo Phú, việc tạo ra gạch lát nền từ rác không chỉ giúp giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn giúp hạn chế phụ thuộc vào các nguyên liệu tự nhiên như đất sét, cát... trong sản xuất, qua đó chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Với vai trò cố vấn tài chính, ThS Võ Thị Thúy Hằng, giảng viên Khoa Tài chính - Kế toán Trường ĐH Công Thương TP HCM, đánh giá dự án có tính thương mại cao. Tuy nhiên, vì các thành viên còn là sinh viên nên kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, chưa tiếp cận được dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến và thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
"Dự án sản xuất sản phẩm tái chế thường đi kèm với các chương trình giáo dục, khuyến khích lối sống bền vững. Điều này có thể giúp tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm" - ThS Hằng gợi ý.
Nhóm nghiên cứu cho biết đang tập trung nâng cấp sản phẩm tốt hơn, tiến đến mục tiêu thương mại hóa. Trước đó, tháng 10-2024, dự án gạch lát nền từ rác thải nhựa đoạt giải nhất cuộc thi "Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ 5, do Trường ĐH Công Thương TP HCM phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam tổ chức.
Theo Huế Xuân/ Người lao động
https://nld.com.vn/che-tao-gach-lat-nen-tu-rac-thai-196241116205839599.htm