Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thải ra tới 5 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2030, điều này gây ra những lo ngại cho sức khỏe và môi trường.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Computational Science, các thiết bị được sử dụng để đào tạo và vận hành các mô hình AI có thể tạo ra từ 1,2 triệu đến 5 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2030. Mặc dù con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng rác thải điện tử toàn cầu hiện nay - ước tính hơn 60 triệu tấn mỗi năm, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Rác thải điện tử có nguy cơ tăng mạnh vì sự bùng nổ của AI
Rác thải điện tử bao gồm các thiết bị như máy điều hòa, tivi, điện thoại di động và máy tính xách tay khi chúng không còn sử dụng. Những thiết bị này thường chứa các vật liệu độc hại có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Hơn nữa, khi các thiết bị như máy giặt và máy tính hiệu suất cao bị vứt bỏ, các kim loại quý bên trong cũng bị lãng phí thay vì được tái chế.
Tuy nhiên, lượng rác thải điện tử này còn cao hơn nữa dưới tác động của sự tăng trưởng về AI. Nhà khoa học Asaf Tzachor đến từ Đại học Reichman (Israel) và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, sự gia tăng rác thải điện tử của AI sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng phần lớn rác thải điện tử từ AI đến từ phần cứng máy tính hiệu suất cao được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và trang trại máy chủ. Những thiết bị này chứa các kim loại quý như đồng, vàng, bạc và các vật liệu nguy hiểm như chì và thủy ngân. Một trong những lý do khiến các công ty AI tạo ra nhiều rác thải là do công nghệ phần cứng phát triển nhanh chóng, với tuổi thọ thiết bị thường chỉ từ 2 đến 5 năm.
Vai trò của việc tái chế rác thải điện tử
Mặc dù vấn đề rác thải điện tử không chỉ giới hạn ở AI nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này đặt ra yêu cầu đối với cách thức xử lý rác thải điện tử. Tzachor cho rằng kéo dài tuổi thọ của thiết bị và tái sử dụng các thành phần là những cách quan trọng để giảm thiểu rác thải. Nghiên cứu cho thấy việc áp dụng các chiến lược này có thể giảm tới 86% lượng rác thải điện tử.
Được biết, chỉ khoảng 22% rác thải điện tử hiện tại được thu gom và tái chế chính thức, trong khi việc xử lý qua các hệ thống không chính thức được thực hiện nhiều hơn, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Các hệ thống không chính thức này có thể thu hồi kim loại quý nhưng thường không đảm bảo xử lý an toàn các vật liệu nguy hại.
Một thách thức lớn trong việc giảm rác thải điện tử từ AI là lo ngại về bảo mật dữ liệu. Việc phá hủy thiết bị giúp bảo vệ thông tin, trong khi tái sử dụng hoặc tái chế yêu cầu các biện pháp bảo mật khác. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xóa thông tin nhạy cảm khỏi phần cứng trước khi tái chế, đặc biệt đối với các công ty xử lý dữ liệu bí mật.
Để đảm bảo rác thải điện tử, bao gồm cả từ AI, được xử lý đúng cách cần có nhiều chính sách hơn. Việc thu hồi kim loại quý có thể tạo ra giải pháp kinh tế, nhưng việc xử lý an toàn các vật liệu nguy hại thường rất tốn kém. Vì vậy, các công ty và nhà sản xuất cần chịu trách nhiệm về tác động môi trường và xã hội của sản phẩm để bảo vệ sức khỏe con người và hành tinh.
Theo Kiến Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tri-tue-nhan-tao-lam-nang-them-van-de-rac-thai-dien-tu-185241030155945604.htm