Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm, một yếu tố quan trọng trong sản xuất chip tiên tiến.
Theo báo cáo từ New York Times, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm làm phức tạp quy trình mua khoáng sản đất hiếm từ các công ty nước ngoài. Đặc biệt vào cuối năm nay, 2 cơ sở khai thác dysprosium - một nguyên tố hóa học quan trọng trong sản xuất nam châm và chip hiệu suất cao - sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, hầu như không có quốc gia nào ngoài Trung Quốc có khả năng khai thác và tinh chế dysprosium với quy mô đáp ứng nhu cầu công nghiệp.
Vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm là không thể bàn cãi
Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm
Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này phần lớn nhờ vào việc các công ty nước này đã giành quyền kiểm soát các mỏ nguyên liệu thô trên toàn cầu. Đồng thời, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải tiến quy trình tinh chế, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự kiến, vào cuối năm nay, hai địa điểm khai thác dysprosium cuối cùng sẽ thuộc về một công ty Trung Quốc, mặc dù hiện tại chúng đang được sở hữu bởi các nhà đầu tư Canada. Điều này sẽ giúp Trung Quốc duy trì vị thế độc quyền trong việc cung cấp khoáng sản này khi mà họ đã kiểm soát hơn 99% thị trường toàn cầu.
Hơn nữa, kể từ ngày 1.10, cơ quan quản lý Trung Quốc đã siết chặt quy trình kiểm soát xuất khẩu khoáng sản đất hiếm nhằm theo dõi chuỗi cung ứng và ngăn các quốc gia không thân thiện tiếp cận nguyên liệu thô của nước này.
Ngoài ra, từ giữa tháng 9, chính quyền Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản như antimon, gali và gecmani. Đặc biệt, các điều luật đang dần thay đổi khiến nhiều thông tin liên quan đến khai thác và chế biến khoáng sản đất hiếm trở thành bí mật nhà nước và các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ đối diện với việc bị truy tố hình sự.
Ngay cả khi nguồn cung thay thế cho dysprosium có thể đến từ Malaysia, Úc, Pháp hoặc Mỹ, việc chi phí sản xuất cao hơn đáng kể của các công ty phương Tây và khối lượng cung cấp thấp hơn so với Trung Quốc khiến khó khăn vẫn chưa thể giải quyết. Cùng với đó, ngoài Trung Quốc, không có nhiều mỏ khoáng sản này dành cho các nhà đầu tư phương Tây. Kết quả là, ngành công nghiệp Trung Quốc không chỉ có lợi thế về giá cả mà còn về quy mô cung ứng, vì vậy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tận dụng lợi thế này trong các cuộc đàm phán chính sách đối ngoại.
Theo Kiến Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/trung-quoc-ra-quyet-dinh-quan-trong-tac-dong-den-chip-toan-cau-185241030111017781.htm