Lotus Chat tự tin gia nhập cuộc đua thị phần nhắn tin qua internet tại Việt Nam vốn đang được dẫn dắt bởi Messenger và Zalo.
Tại lễ ra mắt vào ngày 18-10, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP VCCorp, cho hay hiện nay có tình trạng người dùng các ứng dụng chat bị làm phiền như thêm vào các cộng đồng, nhóm chat có mục đích quảng cáo, rao vặt, kinh doanh. Bên cạnh đó, người dùng còn đối mặt vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân khi nhắn tin, gửi hình ảnh.
"Nhiều người gửi thông tin thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng cho người thân qua tin nhắn. Đây có thể là lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng xâm nhập, chiếm thông tin cá nhân" - ông Tân nêu và cho biết Lotus Chat phát triển các tấm "khiên" để bảo vệ người dùng trước các rủi ro đó.
Về tính năng tạo bí danh, ông Tân cho hay tính năng này cho phép người dùng tạo ra nhiều tên riêng sử dụng cho các cộng đồng, nhóm chat khác nhau nếu không muốn công khai thông tin cá nhân, tránh bị làm phiền.
Giao diện ứng dụng nhắn tin Lotus Chat. Ảnh: LÊ TỈNH
Lotus Chat cũng cho phép tùy chọn một số tính năng như ngăn chuyển tiếp, tải xuống, giúp hạn chế rò rỉ dữ liệu. Với các cuộc trò chuyện quan trọng, ứng dụng này hỗ trợ bảo mật bằng mật khẩu, tự xóa hoặc chống xóa sửa tin nhắn, mã hóa trên đường truyền. Lotus Chat cũng cho phép ghi âm hoặc tạm dừng cuộc gọi và việc ghi âm được thông báo cho phía người nhận cuộc gọi.
Bà Thu Nhi, nhân viên marketing tại quận 1 (TP HCM), nhận xét ưu điểm của Lotus Chat là cho phép gửi file dung lượng lớn và lưu trữ dài hạn, có thể giải quyết nhu cầu trao đổi công việc nhưng chủ yếu trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, ứng dụng này còn ít người biết đến nên nhiều tình huống vẫn phải dùng Zalo và Messenger.
Ông Nguyễn Dũng (quận 3, TP HCM) đánh giá cao khả năng bảo mật mạnh của Lotus Chat với kho bảo mật các nội dung quan trọng (mã ngân hàng, thông tin giao dịch, mật khẩu..). "Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là ứng dụng này do được bảo mật tốt nên có nguy cơ giống Telegram, trở thành nơi mà đối tượng xấu lợi dụng để lan truyền những nội dung không có thật, ảnh khiêu dâm... hay không. Nhưng nếu không có sức mạnh bảo mật thì lại không thể đấu lại các ứng dụng nhắn tin hiện tại" - ông Thịnh băn khoăn.
Các chuyên gia cho rằng việc thuyết phục người dùng chuyển sang một ứng dụng mới sẽ khá khó khăn, nhất là khi sự ổn định và tính năng đa dạng của các ứng dụng quốc tế là thách thức lớn với các ứng dụng nội địa. Dù vậy, Lotus Chat vẫn được kỳ vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh với Zalo và thu hút được thị phần từ Messenger, Telegram, Viber...
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, cho rằng Lotus Chat có thể cạnh tranh được với các ứng dụng chat khác như Messenger hay Telegram nhờ sự thấu hiểu người dùng Việt. Tuy nhiên, nhà phát triển Lotus Chat cần thường xuyên cập nhật phiên bản, tính năng để bắt kịp xu hướng của thị trường; ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hoặc xây dựng chương trình giải trí với chiến lược rõ ràng, lâu dài để thu hút nhiều người dùng hơn, tránh tình trạng ban đầu chạy đua nhưng sau đó hụt hơi" - ông Thức góp ý.
Ông Nguyễn Thế Tân cho biết VCCorp đã có những dự tính cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng Lotus Chat, nhưng việc triển khai không hề dễ dàng. "Lotus chat được xem như một startup chứ không phải một mô hình kinh doanh đã được chứng minh" - ông Tân nhấn mạnh và cho biết các ứng dụng nhắn tin hiện nay chủ yếu kinh doanh bằng hình thức khai thác quảng cáo. Lãnh đạo VCCorp cho rằng có thể triển khai thu phí người dùng ở một vài tính năng song việc này có thể cản trở người dùng tiếp cận và sử dụng Lotus Chat. Do đó, cần phải cân nhắc rất kỹ và nghiên cứu tạo ra các tính năng mới để người dùng sẵn sàng chi tiền. Theo ông Tân, xu hướng người dùng trả phí cũng đang dần hình thành, chẳng hạn một số người đã trả phí cho ứng dụng Chat GPT. |
Theo Lê Tỉnh - Minh Chiến/ NLĐ
https://nld.com.vn/lotus-chat-tuyen-chien-voi-ung-dung-ngoai-196241019204749866.htm