Ứng dụng Danang Smart City giúp người dân TP Đà Nẵng tránh các tuyến đường ngập lụt, hỗ trợ công tác điều hành, ứng phó tình hình mưa bão.
Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 khiến nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng ngập nặng. Dù vậy, nhiều người đã biết cách tránh rơi vào tình trạng bị động nhờ ứng dụng công nghệ do thành phố sản xuất.
"Check map" trước khi đi làm
Anh Hứa Vĩnh Nhân (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết vào mùa mưa bão miền Trung, buổi sáng trước khi đi làm, anh vào ứng dụng Danang Smart City, xem thông tin cảnh báo các điểm ngập nặng để chọn tuyến đường di chuyển phù hợp.
Không chỉ vậy, trong ứng dụng trên còn có hệ thống camera trực tuyến, đặt tại các nút giao thông trọng điểm để người dân có thể "check map" (kiểm tra bản đồ) cập nhật tình hình tắc nghẽn, ngập nước tại từng vị trí theo thời gian thực. "Mỗi lần mưa bão, tôi mở ứng dụng để xem lượng mưa, mức ngập, kiểm tra tình hình giao thông qua camera rất thuận tiện. Mong thành phố tiếp tục lắp đặt thêm nhiều camera trực tuyến để giúp người dân có góc nhìn toàn diện hơn về tình hình giao thông thành phố" - anh Nhân nói.
Hệ thống theo dõi, giám sát phục vụ phòng tránh thiên tai, mưa, ngập được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2022, đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp công tác giám sát và cảnh báo kịp thời tình hình mưa ngập và giao thông cho người dân… Hệ thống có 2 phân hệ chính, gồm phân hệ dành cho người dân, du khách theo dõi mưa, ngập nước và phân hệ cho cán bộ quản trị.
Cụ thể, người dân, du khách theo dõi mưa, ngập nước qua phân hệ "Mức mưa, ngập nước" đã được tích hợp trên ứng dụng Danang Smart City. Tại đây, thông tin luôn được cập nhật để người dân theo dõi lượng mưa (44 trạm đo mưa trên địa bàn thành phố, tham chiếu với lượng mưa lịch sử ngày 14-10-2022). Đồng thời, người dân dễ dàng theo dõi mức ngập nước để chủ động di chuyển. Ông Phan Hữu Can, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh (IOC) Đà Nẵng, cho hay hệ thống cung cấp 5 nội dung giám sát, điều hành (số liệu đo mưa theo thời gian thực, mức ngập, tình trạng kết nối trạm bơm chống ngập, nhà sơ tán, biểu đồ phổ mưa theo thời gian) và 4 mục phân tích, cảnh báo (lượng mưa vượt ngưỡng, khi có mức ngập vượt ngưỡng, khi có thông tin SOS, mức ngập tại các trạm đo tự động vượt ngưỡng - 4 trạm đo).
Theo thống kê, trong các đợt mưa lớn tháng 10 và 11-2023, hệ thống này đã nhận được 220 lượt gửi mức ngập. Đặc biệt, đợt mưa lớn gần nhất từ ngày 18 và 19-9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, hệ thống ghi nhận hơn 5.000 lượt truy cập và gần 60 điểm ngập được cập nhật.
Cơn mưa lớn ngày 18-9 vừa qua khiến nhiều địa điểm ở TP Đà Nẵng chìm trong biển nước.
Giao diện thể hiện lượng mưa, mức ngập trên Danang Smart City
Dễ cài đặt, tương tác đa chiều
Với cách thức sử dụng dễ dàng, người dân mở kho ứng dụng App Store (iOS) hoặc Google Play (Android), gõ tìm ứng dụng "Danang Smart City" và chọn cài đặt ứng dụng trên smartphone. Sau đó, truy cập vào "Phòng chống thiên tai", rồi "Truy cập ứng dụng Mức mưa, ngập nước"; bấm vào nút "Lượng mưa" để xem chi tiết dữ liệu đo mưa tại 31 trạm trên địa bàn thành phố; bấm vào nút "Ngập nước" để xem chi tiết các điểm ngập.
Hệ thống dữ liệu, thông tin cảnh báo được phát triển trên cả 2 phân hệ, tiếp nhận xử lý và phản hồi đến người dân và du khách trên các nền tảng di động và trang web. Với sự tương tác đa kênh, đa nền tảng, người dân có thể "gửi mức ngập" hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên hệ thống để cung cấp cho chính quyền và cộng đồng. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp tính năng phát thông báo "Yêu cầu cứu trợ" khẩn cấp khi gặp nguy hiểm từ thiên tai đến chính quyền để được hỗ trợ kịp thời. Không chỉ đem lại lợi ích cho người dân, hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn còn giúp cơ quan chính quyền thành phố có cái nhìn tổng quan. Từ đó, lãnh đạo thành phố có thể theo dõi trực tiếp số liệu để đưa ra chỉ đạo, điều hành, ứng phó tình hình mưa, bão, lũ. Cụ thể, tại phân hệ cho cán bộ quản trị: (https://muangap.danang.gov.vn/dashboard), các cơ quan, địa phương có thể xem xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân, cộng đồng gửi lên để thông tin phục vụ công tác ứng phó, chống ngập; tiếp nhận các yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn để chủ động hỗ trợ…
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, đây là ứng dụng lần đầu tiên áp dụng tại Đà Nẵng và có thể áp dụng cho các địa phương khác. Sau khi đưa bản đồ hệ thống mưa, ngập vào hoạt động, thống kê trong 2 tháng mưa cao điểm (tháng 9 và 10-2023), hệ thống đã nhận được gần 700 lượt gửi mức ngập tại các tuyến đường ngập úng về hệ thống, công khai trên bản đồ. Bên cạnh đó, các thông tin mức ngập gửi về bao gồm địa chỉ, mức ngập, hình ảnh… phản ánh thực tế vị trí ngập, đã góp phần cung cấp thông tin chính xác đến với cộng đồng, hạn chế di chuyển vào khu vực ngập úng tránh gây thiệt hại tài sản.
Sản phẩm nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 Ngày 5-10 vừa qua, giải pháp "Hệ thống giám sát điều hành thông minh TP Đà Nẵng" và giải pháp "Nền tảng giám sát hành trình số" của TP Đà Nẵng đoạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024. Theo ban tổ chức, Hệ thống giám sát điều hành thông minh TP Đà Nẵng đã liên kết các hệ thống chuyên ngành, phục vụ chỉ đạo điều hành, điều phối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công. Tỉ lệ xử lý, phản hồi ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị qua hệ thống đạt 99,7%, trong đó đã xử lý, phản hồi đúng hạn đạt 91,3%. |
Theo Hải Định/ Người lao động
https://nld.com.vn/tro-thu-tranh-mua-ngap-196241008201507223.htm