Kể từ năm 2022, năm đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày Chuyển đổi số quốc gia, đến nay, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.
Xây dựng thành phố thông minh
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định về hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đáng chú ý, Hà Nội đã vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia, bộ, ngành. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: ứng dụng Công dân thủ đô số (iHaNoi); hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID; cấp lý lịch tư pháp trên VNeID; sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; thí điểm quản lý thuế đối với thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm...
TP Hà Nội cũng triển khai tích cực một số mô hình kinh tế số, xã hội số, bao gồm thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong trường học, internet miễn phí phục vụ người dân...
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, tính đến ngày 10-6 đã có 29.188 lượt đánh giá trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn, trong đó tỉ lệ hài lòng đạt 99,99%. Năm nay, Đà Nẵng ban hành kế hoạch chuyển đổi số với chủ đề "Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội".
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh TP Đà Nẵng được đưa vào vận hành từ tháng 8-2024. Ảnh: HẢI ĐỊNH
Với tinh thần sáng tạo, linh hoạt, TP Đà Nẵng đang triển khai thêm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công như chuyển hầu hết thủ tục hành chính lên "toàn trình", đạt 15% tỉ lệ thủ tục hành chính được cắt giảm, 70% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số...
Mới đây, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết về hỗ trợ smartphone cho 1.800 hộ gia đình, tối đa mỗi hộ 2 triệu đồng/thiết bị, áp dụng với hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Đà Nẵng cho hay UBND các phường, xã đang kiểm tra, rà soát, lập danh sách các hộ thuộc diện này.
Giảm phiền hà, tiêu cực
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10.10.2022 - 10.10.2024), UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch tổ chức 5 hoạt động chính diễn ra từ ngày 15-9 đến ngày 9-11, gồm truyền thông, họp mặt đại diện Tổ Công nghệ số cộng đồng và phát động ra quân năm 2024, tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số và an ninh thông tin trên không gian mạng...
Theo UBND tỉnh Long An, 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, nổi bật là xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1-7.
Với TP Cần Thơ, địa phương này có kế hoạch tổ chức 6 hoạt động diễn ra từ ngày 15-9 đến 10-10 để hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có ra quân Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn cách tái sử dụng dữ liệu, kết quả thủ tục hành chính từ kho dữ liệu cá nhân; sử dụng sổ sức khỏe điện tử; sử dụng ứng dụng Cần Thơ Smart...
Đến nay, Cần Thơ đã có trên 80% hộ gia đình kết nối mạng cáp quang, 92% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh, phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng (3G, 4G) đến 100% địa bàn dân cư, thí điểm mạng di động 5G và hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường.
Trung tâm dữ liệu TP Cần Thơ đang được triển khai phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố. Thành phố cũng ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, giảm phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Với TP HCM, Sở TT-TT cho biết sẽ tổ chức Tuần lễ sách và Chuyển đổi số 2024 diễn ra từ ngày 25 đến 31-10 tại Đường sách TP HCM. Điểm nhấn của sự kiện này là 2 chương trình: Tọa đàm chuyên đề về "Khung năng lực số ngành in" và "Chuyển đổi số - Cơ hội thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay".
Trong khuôn khổ sự kiện, người dân TP HCM và du khách có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận các phương pháp đọc hiện đại trên đa nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành thông qua các hoạt động giao lưu, tọa đàm chuyên đề được dẫn dắt bởi các chuyên gia đầu ngành.
Người dân TP HCM cũng có cơ hội trải nghiệm các xuất bản phẩm điện tử, sách nói, cũng như những hình thức tiếp cận sách mới trong thời đại chuyển đổi số.
Ngoài ra, các hoạt động tương tác, trải nghiệm công nghệ hay hội thi tìm hiểu về sách gắn với chuyển đổi số cũng sẽ mang đến cách nhìn sâu sắc hơn về chuyển đổi số trong xuất bản, thúc đẩy đưa công nghệ vào trong hoạt động này.
Bài học 10 năm chuyển đổi số của Singapore Nhằm bắt kịp sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, chính phủ Singapore đã công bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia 2.0, còn gọi là Chiến lược Quốc gia Thông minh 2.0 (Smart Nation 2.0), tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm tăng trưởng, cộng đồng và niềm tin. Smart Nation 2.0 của Singapore bao gồm một qũy trị giá gần 92 triệu USD tài trợ cho hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thành lập một cơ quan mới để giải quyết nạn bắt nạt trực tuyến cũng như các tác hại khác. Chính phủ nước này cũng sẽ ban hành Đạo luật Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới vào năm 2025 để cải thiện khả năng phục hồi và bảo mật của các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng. Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh chính phủ sẽ tăng cường "hòa nhập kỹ thuật số" để không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời sử dụng công nghệ để tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ với người dân. Ông Wong nhấn mạnh Singapore cần phải nắm bắt tinh thần thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mới, bao gồm cả việc phá bỏ những cách làm hiện tại. Smart Nation 2.0 là giai đoạn thứ 2 của Smart Nation được khởi xướng từ năm 2014. Theo tờ Business Times, số liệu thống kê trong 10 năm qua cho thấy Singapore đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng toàn cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 17,7% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2023, tăng so với mức 13,8% vào năm 2018... X.Mai |
Bộ TT-TT đã xây dựng bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, đăng tải tại địa chỉ: https://dx.gov.vn/bo-nhan-dien-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-2024.htm. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phổ cập, truyền thông bộ nhận diện; khuyến khích cán bộ, người lao động hưởng ứng trên không gian mạng. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/linh-hoat-sang-tao-trong-chuyen-doi-so-19624100519104548.htm