Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác âm nhạc đương đại là xu thế tất yếu theo sự phát triển của thời đại
Nhiều chủ đề quanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sáng tạo âm nhạc được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác âm nhạc đương đại", diễn ra tại Trường ĐH Văn Hiến ở TP HCM vào chiều 21-6.
Thích ứng và AI ngày càng phổ biến
Hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác âm nhạc đương đại" là sự kiện do Trường ĐH Văn Hiến phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Nam tổ chức và Báo Người Lao Động bảo trợ thông tin. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc, sinh viên... cùng chia sẻ, học hỏi thêm quanh vấn đề ứng dụng AI vào sáng tác âm nhạc đương đại.
Các diễn giả, đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo. (Ảnh do Trường ĐH Văn Hiến cung cấp)
Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Hội thảo này nhằm trao đổi để đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển giữa AI và âm nhạc; thảo luận các chủ đề quan trọng như tiềm năng và giới hạn của AI trong sáng tạo âm nhạc, cách AI tạo ra xu hướng âm nhạc, tương lai âm nhạc và AI...".
Các diễn giả trong hội thảo đều nhận định AI là xu thế tất yếu của thời đại, ngày càng phát triển đa lĩnh vực chứ không phải chỉ âm nhạc. Vì thế, việc các nhạc sĩ sử dụng và thích ứng với việc sử dụng AI trong sáng tạo sẽ ngày càng phổ biến.
"Đào tạo để sử dụng AI làm phương tiện cùng với trí tuệ, tình cảm của con người là công cụ để sáng tạo âm nhạc đối với những người hoạt động âm nhạc, giúp con người hoạt động âm nhạc thông minh hơn, thuận lợi hơn, phong phú hơn" - PGS-TS Trương Ngọc Thắng, Trường ĐH Văn Lang, nhận định.
Trong khi đó, ThS-nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu - Khoa Nghệ thuật Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng: "AI hiện nay có thể sáng tác các bản nhạc hoàn chỉnh với sự can thiệp tối thiểu của con người. AI có thể tạo nhạc tự động, tạo nhạc cụ ảo, phân tích âm nhạc, hỗ trợ việc mix và master. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, AI còn tham gia các buổi diễn trực tiếp, tương tác với khán giả, thu thập và phân tích phản hồi khán giả từ các nền tảng mạng và các kênh truyền thông khác nhau".
Theo các nhà chuyên môn, tương lai của AI trong âm nhạc rất rộng mở. AI không chỉ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn mở ra những hướng sáng tạo mới cho nhạc sĩ. Các công cụ AI sẽ tiếp tục phát triển, trở nên thông minh và dễ sử dụng hơn, giúp mọi người, kể cả người không có nhiều kiến thức về âm nhạc, cũng có thể sáng tác và sản xuất những bản nhạc chất lượng cao.
AI chỉ là trợ lý
NSƯT Trần Vương Thạch - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam - đặt ra nhiều vấn đề về sự sáng tạo và bản quyền tác phẩm khi các nhạc sĩ sử dụng công cụ AI tạo ra tác phẩm. Tác phẩm do con người sử dụng AI tạo ra là sự sáng tạo của con người hay của máy móc. Như vậy, bản quyền tác phẩm thuộc về con người hay thuộc về AI?
Đây là vấn đề được các trung tâm bản quyền, tổ chức bản quyền quốc tế từ châu Âu, châu Mỹ và các nước bàn luận nhiều. Nếu tác phẩm do con người sử dụng AI tạo ra thành công, có doanh thu, tác quyền sẽ trả cho nhạc sĩ hay AI? Nhiều diễn giả cho rằng nên xem AI là trợ lý, công cụ hỗ trợ trong quá trình sáng tác bởi AI vẫn còn những hạn chế, thách thức, nhất là với nhạc dân ca, dân gian của Việt Nam.
"AI chỉ mới tích lũy kho tàng đồ sộ âm nhạc Âu - Mỹ. Các thể loại nhạc dân ca, dân gian hay mang âm hưởng dân gian, vùng miền của Việt Nam còn hạn chế. Với sự nâng cấp liên tục, chắc chắn trong tương lai AI sẽ là công cụ hỗ trợ tốt cho các nhạc sĩ, người đam mê âm nhạc tạo ra tác phẩm dân ca", đại tá - nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nêu ý kiến.
TS Nguyễn Bạch Mai - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - nhìn nhận: "AI vẫn còn hạn chế về cảm xúc, chủ yếu dựa vào mẫu và thuật toán để tạo ra âm nhạc, do đó thường thiếu sự chân thực và tinh tế, không thể so sánh với cảm xúc từ trải nghiệm thực tế của con người".
Về vấn đề tác quyền, đại tá - nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên nói khi dùng phần mềm Suno thì phía Suno cho biết nếu dùng mà không mua bản quyền thì chỉ được phép chia sẻ bài hát tạo ra từ AI này, không kinh doanh. Ngược lại, nếu người dùng mua bản quyền theo tháng thì sẽ được phép dùng ca khúc tạo ra để kinh doanh, kiếm tiền từ YouTube hoặc các nền tảng mạng khác.
"Hiện nay, các điều luật về bản quyền chưa bắt kịp với sự phát triển của AI. Các tổ chức và nhà làm luật cần sớm đưa ra các quy định mới để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của AI trong lĩnh vực này" - ThS-nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu đề xuất. |
Theo Minh Khuê/ NLĐ
https://nld.com.vn/ung-dung-ai-trong-am-nhac-tac-quyen-cua-ai-196240621205446004.htm