Dù tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn mờ ảo, nỗi lo sợ về việc nó trở thành công cụ đem lại quyền lực tập trung quá mức cho những ai nắm giữ đã bắt đầu hiện rõ ở Mỹ.
CEO Microsoft Satya Nadella (trái) và CEO Nvidia Jensen Huang tại một sự kiện của Microsoft vào tháng 11-2023 - Ảnh: MICROSOFT
Ngày 6-6, một loạt tờ báo lớn của Mỹ loan tin Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã bắt tay dọn đường cho các cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào vai trò thống trị của Microsoft, OpenAI và Nvidia trong lĩnh vực AI. Việc ba công ty này nằm trong tầm ngắm không có gì lạ.
Lo sợ quyền lực AI tập trung
Theo các nguồn thạo tin của Bloomberg, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chủ trì điều tra xem Nvidia có vi phạm luật chống độc quyền hay không, trong khi FTC sẽ xem xét hành vi của OpenAI và Microsoft. Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận "phân vai" nói trên trong tuần qua và dự kiến sẽ hoàn thành trong những ngày tới.
Ông Bill Baer, một cựu quan chức phụ trách các cuộc điều tra chống độc quyền dưới thời chính quyền Barack Obama và Bill Clinton, cho biết thông thường mỗi cơ quan sẽ dẫn đầu trong các lĩnh vực mà họ có chuyên môn. Tuy nhiên, đôi khi người đứng đầu hai cơ quan sẽ ngồi lại và bàn bạc xem ai làm gì và với ai.
Thỏa thuận giữa hai cơ quan cho thấy chính quyền Mỹ ngày càng cảm thấy lo lắng trước sự tập trung quá nhiều nguồn lực vào một số công ty tạo ra AI. Tuần trước, trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ Jonathan Kanter cảnh báo với việc AI dựa vào lượng dữ liệu khổng lồ và sức mạnh tính toán, các công ty vốn đã chiếm ưu thế sẽ có được một lợi thế đáng kể.
Cuộc điều tra, nếu có, cũng cho thấy chính quyền Mỹ lo ngại trước viễn cảnh các gã khổng lồ có thể chèn ép các công ty nhỏ hoặc sáp nhập để củng cố vị trí thống trị trong ngành AI. Các thương vụ, khoản đầu tư gần đây của những công ty này liên quan AI nhiều khả năng sẽ được đem ra mổ xẻ.
Trên thực tế, hồi tháng 1 vừa qua, FTC đã yêu cầu OpenAI, Microsoft, Alphabet, Amazon và Anthropic cung cấp thông tin về các khoản đầu tư cũng như các quan hệ đối tác gần đây liên quan đến AI và nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Vào tháng 7 năm ngoái, FTC đã mở một cuộc điều tra về OpenAI với cáo buộc rằng họ đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dữ liệu cá nhân cho mô hình AI.
Nỗ lực từ địa phương đến liên bang
Microsoft và Nvidia không chỉ thống trị ngành công nghiệp của họ mà còn là hai trong số những công ty lớn nhất thế giới xét theo vốn hóa thị trường. Nvidia chiếm khoảng 80% thị trường chip AI, bao gồm cả bộ xử lý AI tùy chỉnh cho các công ty điện toán đám mây như Google, Microsoft và Amazon. Sự thống trị đó giúp công ty liên tục đạt các mốc kỷ lục về vốn hóa thị trường chỉ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, OpenAI đã gây chấn động và thu hút sự chú ý toàn cầu khi ra mắt ChatGPT, một công cụ cho người ta thấy rõ sức mạnh của AI ra sao. Người phát ngôn của Nvidia và OpenAI từ chối bình luận cái bắt tay giữa Bộ Tư pháp Mỹ và FTC, trong khi Microsoft khẳng định luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý.
Gần đây, các cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ đã công khai bày tỏ một loạt mối lo ngại xung quanh AI sau ChatGPT. Họ lo sợ đủ thứ, từ lợi thế mà các công ty big tech có được trong việc truy cập vào dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI, đến cách AI tác động những công việc sáng tạo và viễn cảnh một ngày nào đó AI mất kiểm soát.
Tại bang California (Mỹ), một dự luật được đề xuất gần đây đã gây náo động Thung lũng Silicon, khi yêu cầu cần có "tiêu chuẩn an toàn thông thường" cho những công ty phát triển mô hình AI nếu đạt đến một ngưỡng nhất định về quy mô và chi phí. Dự luật, được thông qua bởi Thượng viện tiểu bang vào tháng trước, sẽ yêu cầu các công ty có các bước ngăn chặn các mô hình AI của họ gây ra "tác hại nghiêm trọng", đảm bảo các hệ thống AI có thể bị "tắt nguồn" và báo cáo về các nỗ lực tuân thủ quy định.
Các bang của Mỹ đang ngày càng thúc đẩy các quy định của riêng họ về AI. Tuy nhiên, vì California là nơi có nhiều công ty AI hàng đầu, bao gồm OpenAI và Anthropic, luật của tiểu bang này có thể có trọng lượng hơn, cả về bất kỳ tác động trực tiếp nào đối với các doanh nghiệp này và trong việc định hình một bộ luật liên bang.
"Tôi rất muốn vấn đề về AI được xử lý ở cấp liên bang", thượng nghị sĩ tiểu bang California Scott Wiener - người đệ trình dự luật nói trên - chia sẻ với Bloomberg. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thực tế này khá khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có sự đồng thuận giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Châu Âu cũng rón rén vì AI Tại hội nghị giám đốc công nghệ tài chính (fintech) của các ngân hàng châu Âu vào ngày 7-6, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sự bùng nổ của AI sẽ làm tăng sự phụ thuộc của các ngân hàng vào những big tech Mỹ, tạo ra rủi ro cho chính họ. Các ngân hàng châu Âu, theo họ, cần phải đảm bảo có sự linh hoạt về các nhà cung cấp công nghệ khác nhau để tránh "sự khóa chặt của nhà cung cấp". Năm ngoái, Anh đã đề xuất các quy định nhằm quản lý sự phụ thuộc quá lớn của các công ty tài chính vào các công ty công nghệ bên ngoài như Microsoft, Google, IBM và Amazon. Điều này xuất phát từ lo ngại rằng những vấn đề tại một công ty điện toán đám mây có thể ảnh hưởng đến hàng loạt công ty tài chính. |
Theo Duy Linh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/quyen-luc-ai-va-noi-so-cua-nuoc-my-20240607225608195.htm