AI không phải là đối thủ cạnh tranh, mà là công cụ hỗ trợ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc của người dùng
Trong thời kỳ bùng nổ ứng dụng AI, người lao động phải thích nghi với môi trường làm việc mới, đòi hỏi cập nhật kỹ năng và kiến thức để không bị thay thế bởi các công nghệ tự động.
Có thêm thời gian để nâng cấp kỹ năng
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tăng trưởng và phát triển của nhiều ngành nghề. Điều này phản ánh sức mạnh và tiềm năng của AI trong việc cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Cuối năm 2022, sau sự bùng nổ của ChatGPT, các công cụ AI khác như Gemini, Jasper… cũng lần lượt ra mắt trên thị trường. Theo đó, chúng có thể viết nội dung, soạn email, dịch ngôn ngữ theo chủ đề, tìm kiếm thông tin, phân tích xu hướng và tóm tắt các ý chính của một văn bản dài đến hàng ngàn chữ chỉ trong 1-2 phút. Bên cạnh đó, để sản xuất ra hình ảnh, người dùng cũng chỉ cần nêu ra ý tưởng, viết ra thành văn bản sau đó sử dụng công cụ Github Copilot, Dall-E 2 hay Midjourney một cách dễ dàng mà ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên, việc này lại mang đến cho người lao động những thách thức mới khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức mới để phù hợp với phong cách làm việc hiện đại.
Trong bối cảnh đó, ông Trần Văn Thành (45 tuổi), nhân viên marketing tại TP HCM, cho biết dù việc tiếp cận các công nghệ mới còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng tìm hiểu các công cụ AI mỗi ngày để không bị AI thế chỗ.
Ứng dụng các công cụ AI để viết bài, tư duy nội dung cho các chiến dịch quảng cáo đã giúp ông Thành tiết kiệm hơn nửa thời gian so với cách làm truyền thống. "Chỉ với vài câu lệnh, Chat GPT hay Gemini đã có thể viết cho tôi một bài 1.500-2.000 chữ, soạn email gửi đến khách hàng, sáng tạo khẩu hiệu, đề xuất thêm nội dung cần khai thác… chỉ trong 1 đến 2 phút. Ngoài ra, AI giúp tự động sửa lỗi chính tả, chuyển từ hình ảnh sang văn bản… Chỉ cần chưa đến 60 phút là tôi có thể hoàn thành một bài viết, trong khi tôi phải mất đến 4-5 giờ mày mò theo cách làm cũ" - ông Thành chia sẻ. Nhờ AI hỗ trợ, ông Thành có thời gian học thêm các kỹ năng về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), tìm thông tin trên mạng xã hội để nắm bắt xu hướng thị trường để điều chỉnh công việc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khải, một nhân viên IT của một công ty, cho hay ứng dụng Chat GPT 4.0 và Copilot, việc viết code dần trở nên hiệu quả và tỉ lệ xuất hiện lỗi giảm đến 60%-70%. Chẳng hạn, Gemini tạo ra các ý tưởng cho những tính năng mới của phần mềm hay ChatGPT kiểm tra lỗi phát sinh trong quá trình tạo code và gợi ý các cách sửa phù hợp. "Chỉ mất từ 3-5 phút, tôi có thể hoàn thành một hàm code chỉ với vài câu lệnh. Đáng chú ý, các công cụ này còn có khả năng giải thích code, giống như một chuyên gia. Nhờ đó, tôi có thời gian tập trung phát triển các dự án mới" - ông Khải nói.
Ứng dụng Copilot giúp người dùng tự tạo hình vẽ theo nhu cầu công việcẢnh: Hoàng Triều
Nâng độ chính xác và hiệu quả công việc
Ông Tạ Công Sơn, Trưởng Phòng Phát triển AI - dự án Chống lừa đảo, cho rằng sự phát triển của AI đã dần phát huy khả năng hỗ trợ người dùng một cách hiệu quả trong công việc nhiều hơn là thay thế. Mặt khác, AI cũng đã mở ra cho thị trường lao động xu thế mới với vị trí công việc mới có tên là kỹ sư viết lệnh (Prompt Engineer - PE).
"Nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều cho vị trí PE với mức lương từ 12-20 triệu đồng/tháng cho việc nghiên cứu và phát triển các câu lệnh dành cho các AI như ChatGPT hay Claude 3 để chúng đưa ra kết quả sát với nhu cầu". Theo ông Sơn, sự ra đời gần đây của Devin - kỹ sư phần mềm ảo - hỗ trợ để tối ưu công việc phức tạp như viết code. Theo ThS Đinh Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trái ngược với những lo ngại về việc AI sẽ thay thế hầu hết các công việc, thực tế cho thấy nó là một cơ hội mở để giúp người lao động thích nghi và học hỏi hiệu quả hơn trong môi trường làm việc ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, AI không phải là đối thủ cạnh tranh, mà là công cụ hỗ trợ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc của người dùng. Bằng cách sử dụng kết hợp các công cụ AI như ChatGPT, Gemini hay Copilot vào công việc hằng ngày, người dùng có thể tự động hóa các tác vụ một cách đơn giản, tiết kiệm nhiều thời gian để tập trung vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy cao hơn. Từ đó, người dùng có thể nâng cao độ chính xác và hiệu quả công việc.
Nhờ AI, người lao động ở mọi lĩnh vực có được những thông tin chi tiết và số liệu dự đoán để phân tích chính xác trong thời gian chỉ vài phút, từ đó đưa ra quyết định phù hợp, hạn chế việc tiêu tốn nguồn lực và thời gian.
Lan tỏa thương hiệu trên diện rộng Ông Trương Văn Đạo, thợ mộc ở tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua đã "gây bão" trên mạng xã hội khi đăng tải clip chế tạo thành công chiếc ô tô bằng chất liệu gỗ dựa trên ý tưởng từ những bộ phim viễn tưởng và sự hỗ trợ của công nghệ AI. Theo đó, các đoạn clip từ công đoạn lắp ráp và vận hành chiếc "siêu xe gỗ" đã thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok, 150.000 lượt xem video trên YouTube và tổng cộng hơn 3.000 lượt bình luận, giúp cho ông được nhiều người biết đến hơn để duy trì lượng người xem trên các kênh. |
Theo Lê Tỉnh/ Người lao động
https://nld.com.vn/chuyen-minh-de-ton-tai-19624040220393205.htm