Trong khuôn khổ thỏa thuận, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy việc thử nghiệm các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, đồng thời ứng phó với những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra cho an ninh quốc gia và cho xã hội nói chung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ngày 1/4, Mỹ và Anh đã công bố một thỏa thuận hợp tác mới về bảo đảm sự phát triển an toàn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Theo biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy thử nghiệm các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến sau những cam kết được đưa ra tại Hội nghị cấp cao về an toàn trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới diễn ra ở Anh hồi tháng 11/2023 vừa qua.
“Sự hợp tác này sẽ tạo cơ sở để các viện nghiên cứu của hai nước tăng cường hoạt động hợp tác trên mọi mặt nhằm giải quyết những rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia mà công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể gây ra”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại lễ ký kết.
Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Mỹ và Anh dự định tổ chức ít nhất một cuộc diễn tập thử nghiệm chung trên một mô hình AI có thể tiếp cận công khai, đồng thời sẽ xem xét việc trao đổi nhân sự giữa các viện nghiên cứu.
Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi, chia sẻ thông tin quan trọng về những năng lực và rủi ro liên quan đến các mô hình và hệ thống trí tuệ nhân tạo, cũng như nghiên cứu kỹ thuật về an toàn và bảo mật AI.
Cùng với thỏa thuận vừa ký kết, cả hai nước cũng đang nỗ lực xúc tiến các thỏa thuận song phương tương tự với các quốc gia khác để thúc đẩy an toàn trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Công nghệ Michelle Donelan - đại diện chính phủ Anh ký biên bản ghi nhớ với Mỹ cho biết, đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới giữa hai quốc gia về lĩnh vực an toàn trí tuệ nhân tạo.
“AI đã trở thành một lực lượng phi thường phục vụ lợi ích của xã hội chúng ta. Công nghệ này có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới, nhưng chỉ khi chúng ta có thể kiểm soát được những rủi ro tiềm ẩn mà nó mang lại”, bà Donelan nói.
Thời gian gần đây, với khả năng tạo văn bản, ảnh và video dựa trên lời nhắc của người dùng, công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) đã tạo ra “sự phấn khích” trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng nó có thể khiến một số công việc trở nên lỗi thời, can thiệp vào các cuộc bầu cử, và có khả năng vượt khỏi sự kiểm soát của con người cũng như gây ra những hậu quả thảm khốc.
Trước đó, vào tháng 10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành một lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo. Đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đang đề xuất kế hoạch yêu cầu các công ty kinh doanh dịch vụ đám mây của Mỹ kiểm tra xem liệu các thực thể nước ngoài có đang truy cập vào các trung tâm dữ liệu của Mỹ để đào tạo các mô hình AI hay không.
Theo Khánh Lâm/ Nhân dân
https://nhandan.vn/my-anh-cong-bo-thoa-thuan-hop-tac-ve-an-toan-tri-tue-nhan-tao-post802726.html