Những vụ mạo danh người dùng đang diễn ra tràn lan trên mạng thời gian qua khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Bao giờ mới định danh người dùng trên mạng?
Minh họa: TUẤN ANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - CEO Công ty công nghệ dữ liệu lớn và học máy Kalapa - đánh giá tình trạng mạo danh cá nhân, tổ chức trên không gian mạng Việt Nam càng ngày càng trở nên tinh vi với nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, các hình thức mạo danh cá nhân, tổ chức phần lớn hướng tới mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bôi nhọ danh dự đang gây hoang mang cho dư luận.
Cần triển khai ngay
* Với những gì đang xảy ra, chuyện bảo mật thông tin cá nhân là điều rất khó nếu không muốn nói là không thể trong thế giới mạng hiện nay và tương lai, bà nói gì về nhận định này?
- Xã hội là nơi con người giao lưu, kết nối và thực hiện các nhu cầu trong cuộc sống. Môi trường Internet giúp cho sự kết nối đó nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so với ngoài đời thực.
Việc cung cấp dữ liệu cá nhân trên mạng là tất yếu khi môi trường mạng đã trở thành môi trường sinh hoạt không thể thiếu cho mỗi cá nhân.
Do đó, việc bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường Internet cần sự phối hợp của nhiều bên. Trước tiên chính là chủ thể dữ liệu, sau đó là bên kiểm soát/lưu trữ dữ liệu của cá nhân đó, và cuối cùng là các bên đang khai thác sử dụng dữ liệu đó.
Tôi tin rằng các cơ quan chính quyền và các tổ chức trong xã hội sẽ cung cấp các giải pháp giúp công dân kiểm soát dữ liệu của mình trên môi trường Internet tốt hơn nhiều so với hiện nay.
* Khi thế giới ảo và thực ngày càng giống nhau dù song hành cùng nhau, việc xác thực mọi cá nhân trong thế giới ảo cũng quan trọng như trong thế giới thực?
- Xác thực một cá nhân và đảm bảo tính duy nhất của cá nhân đó sẽ giúp bảo vệ tất cả mọi người khi tham gia hoạt động trên môi trường Internet.
Việc xác thực danh tính một cá nhân trên thế giới ảo trở nên đặc biệt cần thiết khi cá nhân đó thực hiện các tương tác, giao dịch liên quan trực tiếp tới tài chính, sự an toàn, tài sản và các lợi ích của cá nhân đó và của cả những người xung quanh.
* Với thực trạng giả mạo ngày càng tràn lan và tinh vi hiện nay, việc định danh cá nhân trên mạng có phải là vấn đề phải làm và cần làm nhanh nhất tại Việt Nam?
- Đúng vậy, định danh cá nhân trên mạng là một trong những vấn đề phải làm nhanh và làm sớm nhất có thể. Việc trì hoãn triển khai có thể dẫn tới nhiều thiệt hại về kinh tế, an ninh, an toàn cho cả cá nhân và quốc gia.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là tính sẵn sàng của các tổ chức bắt buộc phải ứng dụng định danh điện tử.
Lý do chính là vì công nghệ này yêu cầu đầu tư về tài chính và năng lực đáp ứng hệ thống (thay đổi quy trình/phần mềm/hệ thống để phù hợp với tiêu chuẩn định danh điện tử) tương đối cao.
Ngoài ra, còn một rào cản lớn nữa là trải nghiệm người dùng. Người dùng cuối có thể phải mất nhiều thời gian và thao tác hơn so với trước đây, nếu áp dụng định danh điện tử.
Vì vậy, phát triển định danh điện tử cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức, cùng với quá trình tuyên truyền nhận thức cho người dân.
* Bà có thể cụ thể hơn vai trò của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức trong việc triển khai định danh toàn bộ người dân Việt Nam trên mạng một cách hiệu quả, chính xác và nhanh chóng?
- Vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý định danh của người dân trên mạng là rất quan trọng để đảm bảo an ninh, an toàn và quản lý thông tin cá nhân. Các cơ quan nhà nước sẽ quy định việc xác thực danh tính, quản lý cơ sở dữ liệu, và thực hiện các chính sách liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân của người dân.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp muốn tham gia vào việc triển khai định danh toàn bộ người dân trên mạng một cách hiệu quả, chính xác và nhanh chóng, cần phải tuân thủ các quy định pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân; sử dụng các công nghệ an toàn để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, bao gồm các biện pháp bảo mật mạng, mã hóa dữ liệu và cơ chế xác thực đáng tin cậy; hợp tác với cơ quan nhà nước để cung cấp thông tin và hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu định danh và triển khai các giải pháp quản lý định danh.
Bên cạnh đó, các tổ chức cần đầu tư vào việc đào tạo nhân viên về quy trình quản lý thông tin cá nhân và các biện pháp bảo vệ dữ liệu; đồng thời phát triển các ứng dụng và dịch vụ giúp người dân quản lý thông tin cá nhân của họ trên mạng một cách hiệu quả và an toàn.
Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Công dân thực và công dân số là một
* Như vậy, không gian mạng Việt Nam sẽ tốt hơn khi mọi cá nhân tham gia đều được định danh, thưa bà?
- Khi mọi cá nhân tham gia vào thế giới mạng đều được định danh một cách chính xác và đầy đủ, quản lý thông tin sẽ trở nên hiệu quả hơn và có thể hạn chế được một số tiêu cực nhất định.
Thứ nhất là bảo vệ quyền riêng tư. Định danh chính xác có thể giúp cung cấp bảo vệ tốt hơn cho quyền riêng tư của người dùng bằng cách đảm bảo rằng thông tin cá nhân chỉ được truy cập bởi người có quyền.
Thứ hai là phòng ngừa tội phạm mạng. Khi mọi người đều được định danh, việc theo dõi và phát hiện các hoạt động tội phạm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn. Công cụ theo dõi và phân tích dữ liệu có thể được sử dụng để phát hiện các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc tấn công mạng.
Thứ ba là chống lại sự bóp méo, làm giả thông tin. Khi mỗi cá nhân có một định danh duy nhất trên mạng, việc bóp méo thông tin và tạo ra tin tức giả mạo trở nên khó khăn hơn. Công nghệ kiểm tra thông tin và xác thực nguồn gốc có thể giúp ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo.
Và thứ tư là quản lý tiêu cực và gian lận trên mạng xã hội. Việc định danh có thể giúp các nền tảng mạng xã hội quản lý và kiểm soát các hoạt động tiêu cực như bạo lực, kích động, hoặc hoạt động gian lận.
* Việc định danh sẽ mang lại những lợi ích gì cho người dùng và xã hội?
- Việc định danh người dùng trong không gian mạng Việt Nam mang lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho sự phát triển của kinh tế số mà còn cho toàn bộ xã hội.
Bằng cách định danh người dùng, các tổ chức có thể quản lý thông tin cá nhân một cách chính xác hơn và đảm bảo rằng thông tin cá nhân chỉ được sử dụng với mục đích đã được ủy quyền.
Việc định danh người dùng giúp tạo ra một môi trường trực tuyến minh bạch hơn, nơi mà các hành động và hoạt động của người dùng có thể được theo dõi và kiểm soát một cách hiệu quả. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển một nền kinh tế số trong sạch và công bằng hơn.
Ngoài ra, định danh người dùng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của kinh tế số bởi vì nó tạo ra cơ sở dữ liệu chính xác về người dùng và hành vi trực tuyến. Các doanh nghiệp có thể sử dụng thông tin này để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dùng, từ đó tăng cường hiệu suất và hiệu quả kinh doanh.
Định danh người dùng còn giúp mở ra cơ hội tham gia trong kinh tế số cho mọi người, kể cả những người dân ở các khu vực nông thôn hoặc ít phát triển.
Việc xây dựng hệ thống định danh toàn diện có thể giúp đẩy mạnh việc tiếp cận Internet và các dịch vụ kỹ thuật số đến các cộng đồng xa xôi.
* Những công nghệ nào có thể áp dụng để định danh người dùng Việt Nam một cách nhanh chóng, chính xác và dễ triển khai?
- Định danh điện tử online sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo như nhận diện ký tự quang học, đối chiếu sinh trắc học, nhận diện sự sống chuẩn quốc tế là một trong những cách nhanh chóng, chính xác, dễ triển khai để có thể định danh người dùng tại Việt Nam.
Dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip của thẻ căn cước công dân định danh và xác thực chính xác công dân dựa trên dữ liệu trong chip của thẻ căn cước công dân, qua đó nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm giả mạo giấy tờ, lừa đảo hạn chế rủi ro trong giao dịch, thiết lập tài khoản.
Người dân xác thực khuôn mặt để sử dụng tủ cất giữ đồ cá nhân tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Quy trình định danh một cá nhân trên mạng * Theo kinh nghiệm của bà, việc định danh một cá nhân trên mạng nên được thực hiện như thế nào? - Chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề định danh một cá nhân khi cá nhân đó thông qua môi trường Internet để tương tác và giao dịch với một tổ chức, cá nhân khác. Quá trình định danh sẽ diễn ra theo cách sau: + Thu thập thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, mã số công dân (thường được thực hiện bởi cách thu thập hình ảnh giấy tờ tùy thân như: căn cước công dân, bằng lái xe, giấy khai sinh...). + Xác minh thông tin cá nhân là thật bằng cách kết hợp với nguồn thông tin uy tín, chính thống (ví dụ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), phát hiện giả mạo hình ảnh... + Xác thực sinh trắc học (thường là khuôn mặt, mống mắt) để đảm bảo người đang được định danh chính xác là chủ sở hữu của thông tin đã thu thập. + Xác thực hai yếu tố với những trường hợp liên quan tới việc cá nhân kết hợp với một thiết bị. Đây là phương pháp bổ trợ thường được ứng dụng sau khi đã định danh cá nhân thành công. |
Thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân, lấy cắp mã số thuế là vi phạm pháp luật Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay nghị định 13/2023 (bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ 1-7-2023) đã quy định rõ về dữ liệu cá nhân bao gồm những thông tin nào. Nghị định này cũng quy định cá nhân, tổ chức vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự. Theo luật sư Tuấn, về xử phạt hành chính, hiện nay nghị định 14/2022 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) quy định hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác bị phạt đến 60 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, nghị định 14/2022 cũng sửa đổi tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Về hình sự, hành vi xâm phạm, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép có thể bị xử lý hình sự về các tội tại điều 288, 289 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cá nhân, tổ chức thu thập dữ liệu cá nhân (thông qua chiêu tuyển dụng lao động hoặc qua không gian mạng...) để lấy cắp mã số thuế thì cá nhân, tổ chức đó vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. |
Bao giờ định danh mã số thuế, tài khoản ngân hàng? Khách hàng thao tác với App eTax Mobile - Ảnh: QUANG ĐỊNH Nhiều người có thu nhập tại một nơi duy nhất, đã quyết toán thuế thu nhập cá nhân hai, ba năm nhưng bất ngờ khi kiểm tra app eTax Mobile của Tổng cục Thuế lại phát hiện mình có thêm thu nhập tại một công ty xa lạ nào đó và đang nợ thuế. Bản chất của hành vi trộm mã số thuế (MST), ông Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia về thuế - cho rằng là để trốn thuế. Để hạn chế tệ nạn này, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải tính lại chi phí để nộp đúng, nộp đủ tiền thuế, chính sách cần phạt thật nặng, đồng thời đưa vào diện thanh tra, kiểm tra. "Thông thường những doanh nghiệp gian lận thường tìm mọi cách để trốn thuế. Vậy ngoài việc nâng khống chi phí tiền công, tiền lương, doanh nghiệp đó còn có những sai phạm nào khác?", ông Tú đặt vấn đề. Còn về lâu dài, theo các chuyên gia, việc ngành thuế đang triển khai lấy mã số định danh làm MST cá nhân là rất thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Không chỉ ngăn chặn được nạn lấy cắp MST cá nhân mà còn giúp người nộp thuế thuận lợi trong khi kê khai, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đã và đang quyết liệt chuyển đổi MST theo mã định danh cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với MST. Tính đến nay, khoảng 16 triệu/20 triệu tổng MST mà ngành thuế đang quản lý đã được truy vấn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo kế hoạch, trong năm nay Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư sửa đổi thông tư 105 hướng dẫn về đăng ký thuế. Khi thông tư mới được ban hành và có hiệu lực, người nộp thuế sẽ sử dụng chính mã số định danh của mình để thực hiện kê khai, nộp thuế hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác với cơ quan thuế. Đối với trường hợp người nộp thuế đang có nhiều hơn một MST, trong giai đoạn rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân, Tổng cục Thuế tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế kê khai thay đổi thông tin mã số định danh để sử dụng làm căn cứ để hợp nhất các MST. Người nộp thuế không nhất thiết phải thực hiện các thủ tục để đóng, hủy các MST như hiện nay. Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm MST, mã số bảo hiểm xã hội..., người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình khi thực hiện các thủ tục hành chính. |
Xu hướng toàn cầu Tổng cục Thuế chia sẻ thêm mã số định danh công dân đang là xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ nhiều năm, trong đó có hai hình thức định danh số phổ biến, đó là: định danh qua căn cước điện tử và thông qua thiết bị di động. Nhiều nước cũng đang áp dụng đồng thời nhiều phương thức nhằm tạo ra một xã hội phát triển trên nền tảng số hiện đại. Như tại Nhật Bản, trẻ em từ khi sinh ra đã có thẻ mã số cá nhân, gồm 12 chữ số và không trùng lặp với bất kỳ ai, mã số này sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi công dân. Đây là thẻ có gắn chip, chứa đựng toàn bộ thông tin cá nhân, có thể sử dụng như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ nhận tiền trợ cấp phúc lợi xã hội... |
Ai cũng có thể là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao Dữ liệu cá nhân của khách hàng dễ dàng mua ở các hội nhóm trên mạng xã hội - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Lê Thị Thúy Nga - trưởng khoa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm soát viên, luật sư (Học viện Tư pháp) - nhận định bất kể ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao. "Nhiều người thắc mắc tại sao chỉ có thể có một cuộc gọi của người lạ mà có thể ra ngân hàng rút tiền rồi chuyển tiền cho tội phạm được. Nhưng trên thực tế có không ít người đã bị tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền", bà cho biết và kể có người thân trong gia đình vừa mới bị lừa đảo mất hơn 800 triệu đồng. Cùng quan điểm với bà Nga, thượng tá Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông công an nhân dân (Bộ Công an) - cho biết tội phạm liên quan đến công nghệ cao sử dụng nền tảng phần mềm Viber, Integram, chứ không dùng mạng viễn thông để lừa đảo. Máy chủ quản lý phần mềm đặt ở nước ngoài. Tin được nhắn xong rồi thu hồi luôn nên cơ quan chức năng rất khó truy vết. Bằng cái click chuột mà bọn chúng có thể chiếm đoạt cả trăm tỉ đồng của người dân. Về thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, ông Hiếu cho hay là rất tinh vi. Qua các vụ án cho thấy tội phạm lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ của một số người mà đưa nhiều chiêu trò như kêu gọi huy động vốn đầu tư các dự án hay quà tặng... để dụ người dân tham gia sàn vàng, tiền ảo... "Chúng tôi thường cảnh báo khoản đầu tư nào cho giá trị lợi nhuận gấp ba lần lãi suất cao nhất của ngân hàng thì đó chính là lừa đảo. Vì không có loại hình kinh doanh nào lại siêu lợi nhuận như vậy", ông Hiếu nhận định. Tội phạm công nghệ cao còn dựa trên sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân như: chúng mạo danh cơ quan quản lý pháp luật, thuế, công an... để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền. Tất cả trò lừa này dựa trên việc thao túng tâm lý khiến rất nhiều người sơ hở trở thành nạn nhân. Về công tác đấu tranh đối với tội phạm công nghệ cao, ông Hiếu cho rằng rất khó khăn do tính ẩn danh của đối tượng phạm tội rất cao. Vì chúng chỉ sử dụng ký danh - tức là nick name, không sử dụng tên thật. Đặc biệt, việc truy theo dòng tiền gần như không hiệu quả khi tiền sau khi chiếm đoạt được chuyển vào thị trường tiền ảo. Mặt khác, các vụ chiếm đoạt tiền được chuyển vào tài khoản được thuê, mượn. Thực tế, tình trạng không ít sinh viên, người lao động mở tài khoản ngân hàng rồi bán 2 triệu đồng/tài khoản cho tội phạm. Đó là nhận định của các nhà khoa học khi tham gia hội thảo "Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản - một số vấn đề pháp lý và thực tiễn" do Học viện Tư pháp tổ chức chiều 28-3. Từ 1-7, chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, định danh khách hàng, ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngành ngân hàng đang làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một giải pháp quan trọng để bảo vệ tiền của người dân gửi tại ngân hàng, ông Tuấn cho biết từ 1-7, chuyển khoản trên 10 triệu đồng là phải xác thực khuôn mặt. Đồng thời, trong một ngày, tổng giao dịch trên 20 triệu đồng là phải xác thực khuôn mặt. Khuôn mặt người chủ tài khoản là khuôn mặt thật, sống động và trùng khớp với hình ảnh được lưu ở Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này đảm bảo người thực hiện chuyển tiền là chính chủ, hạn chế tối đa tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo lấy cắp thông tin rồi chiếm đoạt tiền của nhiều người như xảy ra thời gian qua. |
Theo Đức Thiện - Ái Nhân - Ánh Hồng - Lê Thanh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dinh-danh-tren-mang-phai-lam-ngay-20240329082854243.htm