Trong năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với cơ quan công an, các nhà mạng để kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 19 vụ sử dụng BTS giả (với 20 thiết bị), tăng gần 4 lần so với năm 2022.
Đầu tháng 12, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã bắt giữ đối tượng sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn TPHCM nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo.
Trước đó vào giữa tháng 6, Cục Tần số vô tuyến điện, Phòng An ninh bưu chính viễn thông và CNTT của Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt quả tang các đối tượng khi chúng đang sử dụng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn rác tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đối tượng giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).
Các trạm BTS giả là công cụ giúp cho những đối tượng lừa đảo phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào tháng 7, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết kẻ gian đã sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện.
Theo đó, sóng của các trạm BTS giả sẽ đè lên sóng của nhà mạng. Trong khoảng cách 100m, các thiết bị di động sẽ kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng.
"Những trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn một phút và 80.000-100.000 tin nhắn mỗi ngày. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh trang web của ngân hàng để lừa đảo", vị này cho hay.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết đây là một lỗ hổng bảo mật của mạng 2G (GSM). Công nghệ này chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người sử dụng xác thực lại mạng. Lỗ hổng này đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
"Các thiết bị BTS giả mạo thường được nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch. Các thiết bị này rất nhỏ gọn nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, kiểm tra", đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết thêm.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã có sự phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hải quan,... nhằm kiểm soát, không cho phép thiết bị BTS giả được bán trên các sàn thương mại điện tử và đưa vào Việt Nam.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT đã phối hợp với các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm triển khai các biện pháp kỹ thuật công nghệ để xác thực thông tin và định danh khách hàng khi thực hiện giao dịch.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các Sở TT&TT địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh trạm BTS.
Các thiết bị BTS giả mạo thường nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).
Vừa qua, Bộ TT&TT đã tìm ra giải pháp hiệu quả để bắt các đối tượng vận hành trạm BTS. Theo đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an, khi có trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ nhận biết và khoanh vùng.
Sau đó, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ sử dụng thiết bị định vị và xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả. Tiếp đến, Bộ TT&TT cùng Bộ Công an sẽ phối hợp và bắt giữ tại chỗ.
"Ban đầu, những đối tượng này đặt trạm BTS giả tại một địa điểm cố định để phát tín hiệu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, các đối tượng đã đưa những thiết bị BTS giả lên phương tiện giao thông, di chuyển và dừng đỗ liên tục trong quá trình phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Giải pháp hiện nay đã có thể phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo, từ đó phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt những đối tượng này nhanh nhất", đại diện một nhà mạng cho biết.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/day-la-ly-do-khien-tin-nhan-rac-tran-lan-tai-viet-nam-20231216120443063.htm