Phạm Viết An gặt hái thành công với ứng dụng đặt thực phẩm Sesofoods. Trong dịch Covid-19, CEO 9X này đã đưa đồ ăn thuần Việt đến các tỉnh thành ở Nhật, giải quyết nhiều nỗi lo thực phẩm của cộng đồng người Việt.
CEO Phạm Viết An chia sẻ trong hội thảo về ứng dụng thực phẩm Việt Nam cho người Nhật
Mua mắm nêm, mắm tôm qua app
Sở hữu hơn 25.000 lượt tải về tính từ tháng 4.2022 đến nay, Sesofoods hiện là ứng dụng đặt hàng được ưa chuộng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng, dành cho người Việt Nam tại Nhật Bản. Startup này còn được Đài truyền hình NHK đưa tin về xu hướng kinh doanh mới lạ.
Lên app Sesofoods, người Việt có thể tìm được hàng loạt thực phẩm mang đậm hương vị quê nhà. Từ các loại thịt, hải sản cho đến các nguyên liệu như: nước dừa, mắm nêm, mắm tôm, sa tế tôm… Ngoài ra, Sesofoods còn cung cấp đa dạng các loại rau củ và cả thực phẩm chay.
Đứng sau sự thành công của ứng dụng này là Phạm Viết An, chàng trai đến từ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch Khoa Địa lý Trường đại học ĐH KHXH&NV TP.HCM, anh quyết định “khăn gói” sang Nhật du học.
Sau thời gian sinh sống tại Nhật, 9X nhận thấy cộng đồng người Việt ngày một gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ du học sinh, tu nghiệp sinh, sống rải rác các nơi, khu vực tỉnh lẻ khó tiếp cận và tìm mua thực phẩm Việt.
Đài truyền hình NHK đưa tin về xu hướng kinh doanh mới lạ của Phạm Viết An
“Các bạn thường phải đi tàu đến các ga lớn hoặc đạp xe hàng cây số để mua nhu yếu phẩm vào cuối tuần. Vừa mất công sức, vừa mất thời gian trong khi nguồn thực phẩm lại bị hạn chế. Một số ít người biết mua hàng online nhưng chủ yếu vẫn mua qua các kênh Facebook cá nhân. Đã có tình trạng bị lừa gạt, tiền mất tật mang”, Viết An tâm sự.
Tháng 3.2020, chính phủ Nhật Bản thông báo dịch Covid-19 thuộc tình trạng khẩn cấp khiến mọi hoạt động kinh doanh đều bị hạn chế. Điều này dẫn đến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng đột biến. Phạm Viết An cùng cộng sự đã thành lập Công ty cổ phần SE-SO tại Itabashi, Tokyo (Nhật), trong đó SE-SO là sự kết hợp giữa hai chữ cái đầu của từ Service Solution.
Sau 3 tháng triển khai, họ cho ra mắt website mua sắm trực tuyến và nhận về tín hiệu khả quan. Ngoài tập trung quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, nhà sáng lập còn hợp tác với các kênh truyền thông cộng đồng, tài trợ sự kiện… để tiếp cận các khách hàng khác nhau. Từ đó, lượng người đăng ký sử dụng ứng dụng ngày một tăng. Bên cạnh kinh doanh trực tuyến, Sesofoods cũng triển khai hệ thống cửa hàng offline Sesofoods Store.
Cửa hàng Sesofoods Store tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama (Nhật Bản)
Đẩy mạnh công nghệ để tồn tại ở thị trường Nhật
Không chỉ cung cấp những mặt hàng thuần Việt, Sesofoods còn nhận giao hàng tại tất cả các tỉnh thành ở Nhật. Để tiện lợi cho người dùng, nhóm còn tạo chức năng thanh toán tiện lợi qua ứng dụng như: thanh toán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi, thẻ credit, ví điện tử... Ngoài ra, khách hàng còn có thể cập nhật và theo dõi tình trạng giao hàng một cách dễ dàng qua app.
Phạm Viết An cho biết để cạnh tranh, anh đã đẩy mạnh yếu tố công nghệ. Nhà sáng lập Sesofoods chia sẻ: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định trở thành một startup về mảng foodtech. Cho nên, yếu tố nền tảng là hệ thống đã được đầu tư từ những ngày đầu. Từ khâu đặt hàng, thanh toán, xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn kho, marketing đều được áp dụng các yếu tố công nghệ, giúp cho việc vận hành trở nên dễ dàng và tối đa hóa chi phí”.
Sau khi đặt hàng qua app, nhân viên Sesofoods sẽ giao hàng trực tiếp đến khách hàng
Tuy nhiên, thời gian đầu vận hành, nhóm của Viết An gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm non trẻ. Anh chia sẻ: “Do thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý hàng tồn nên xảy ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm. Một số sản phẩm tươi sống không có kinh nghiệm bảo quản và xử lý nên bị hư hỏng nhiều. Để khắc phục được các vấn đề này, chúng tôi tập trung cải thiện các khâu quản lý đơn hàng, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và quản lý chất lượng”.
Ngoài việc bảo quản thực phẩm thì việc đảm bảo nguồn cung ứng một số mặt hàng thuần Việt tại nước ngoài cũng khiến Sesofoods gặp không ít trở ngại. Người Việt ở mỗi vùng miền lại có thực phẩm đặc trưng nên nhu cầu vô cùng đa dạng. Điều này đòi hỏi nhóm phải liên tục cập nhật và nắm bắt thị hiếu của khách hàng.
Tiết lộ về kế hoạch sắp tới, chủ nhân Sesofoods cho biết doanh nghiệp này dự kiến sẽ tiếp cận và phục vụ 500.000 người Việt tại Nhật, hy vọng trở thành startup về foodtech hàng đầu tại Nhật do người nước ngoài vận hành. Ngoài ra, thông qua mảng nhập khẩu, Sesofoods kỳ vọng có thể đưa thực phẩm Việt vào các chuỗi siêu thị Nhật để tiếp cận lượng khách hàng bản địa.
Theo Đăng Bách/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ung-dung-dat-thuc-pham-cua-chang-trai-nghe-an-len-truyen-hinh-nhat-post1486034.html