Nông sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức để có một đầu ra ổn định. Mô hình số hóa cùng sự quan tâm, chung tay từ các bên trở thành chìa khóa giải mã cho bài toán đầu ra nông sản.
Bài toán đưa nông sản Việt đến tay người dùng cuối cần sự quan tâm, chung tay của nhiều đơn vị, cơ quan ban ngành
Theo tính toán của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, giá lương thực toàn cầu trong tháng 4 năm nay đã cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Những biến động tại các thị trường lớn bởi nguyên nhân kinh tế - chính trị gây ra gián đoạn nguồn cung, làm dấy lên làn sóng lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Tại Việt Nam, các sản phẩm nông sản đứng trước bài toán đầu ra cố hữu. Những biến động của thị trường thế giới kết hợp cùng áp lực trong nước càng khiến người nông dân gặp khó trong ước mong “được mùa, trúng giá” mỗi mùa vụ.
Đầu ra sản phẩm - thách thức cố hữu cho nông sản Việt
Những xung đột thương mại cùng chi phí vận chuyển cao khiến người nông dân đứng trước mối lo nông sản không có nơi tiêu thụ dù vào chính vụ. Trong đó, chính sách Zero Covid với nhiều quy định nghiêm ngặt của thị trường Trung Quốc khi dịch Covid-19 tái bùng phát đã giáng đòn mạnh vào vào kênh xuất khẩu nông sản. Các biến động chính trị - xã hội từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng lệnh cấm xuất - nhập khẩu của nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia là những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong khâu đưa nông sản Việt xuất ngoại gần đây.
Ở kênh tiêu thụ nội địa, những hạn chế về vận chuyển, bảo quản nông sản vẫn là thách thức cố hữu của người nông dân. Nông sản là loại sản phẩm có đặc thù khó bảo quản, quy trình từ vườn đến tay người dùng cần nhanh chóng để đảm bảo độ tươi ngon, từ đó dẫn đến áp lực về chi phí sản xuất và lựa chọn kênh vận chuyển trong những vụ mùa cao điểm.
Thiếu kiến thức về công nghệ cũng gây ra rào cản cho người nông dân trong quá trình tiếp cận người dùng cuối. Trong một khảo sát được thực hiện bởi CropLife châu Á, ước tính có đến gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau ở Việt Nam mong muốn được phổ cập thêm kiến thức nhằm tiếp cận nền kinh tế số, ứng dụng số hóa trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm là bài toán khó mà cả người nông dân lẫn các bộ ban ngành mong muốn giải đáp. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp hàng đầu giúp người nông dân truyền thống tiến gần hơn đến người dùng, giải quyết những tồn đọng của phương thức sản xuất cũ như tiếp cận khách hàng ở xa hay tự động hóa tính toán doanh thu..., đồng thời góp thêm gam màu tươi sáng vào bức tranh chung nền kinh tế hậu dịch.
Đưa nông sản đến tay người dùng cuối bằng công nghệ
Để đẩy mạnh kênh tiêu thụ, các cơ quan ban ngành đã có nhiều biện pháp xúc tiến, phối hợp đa dạng kênh bán lẻ và doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra cho nông sản Việt. Trong hành trình hỗ trợ nông sản này, sự xuất hiện và tham gia mạnh mẽ của các chuỗi bán hàng ứng dụng công nghệ trở thành trợ thủ đắc lực cho người nông dân chuyển đổi số, từng bước bắt kịp xu hướng thị trường.
Gần đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho các hợp tác xã nông nghiệp, nông sản tại ĐBSCL. Thông qua chuỗi tập huấn, bà con nông dân của 100 HTX tại ĐBSCL có cơ hội tiếp cận với kiến thức chuyển đổi số để ứng dụng vào hoạt động bán hàng trên nền tảng trực tuyến, đơn cử như nền tảng GrabMart.
Cũng trong chương trình, các bên chính thức công bố hợp tác, khởi động Lễ hội trái cây mùa hè 2022 trên GrabMart với mục tiêu mang các loại trái cây đặc sản, chính vụ chất lượng cao như sầu riêng, xoài, bơ, vải… đến với người dùng. Trong khuôn khổ chương trình này, người nông dân sẽ được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các loại nông sản, đặc sản ĐBSCL nói riêng và toàn Việt Nam nói chung tiếp cận người dùng cả nước.
Bài toán đầu ra cho nông sản Việt cần sự quan tâm, chung tay của tất cả các bên từ bộ ban ngành cho đến doanh nghiệp. Những giải pháp và nỗ lực của doanh nghiệp, đơn cử như Grab Việt Nam, đã mở ra cánh cửa để người nông dân truyền thống tiếp tục vững tin với nghề trồng trọt, chăn nuôi trong thời đại kinh tế số, ứng dụng số hóa trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Hải Trần/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tan-dung-cong-nghe-go-kho-dau-ra-nong-san-post1468523.html