Trong 5 năm tới, thương mại điện tử B2C Việt Nam sẽ thuộc Top 5 ngành thế mạnh nếu coi đây là một lĩnh vực xuất khẩu.
Sáng 8.6, Cục Thương mại điện tử Kinh tế số (Bộ Công thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức lễ công bố sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. Kế hoạch sẽ kéo dài 5 năm với các chương trình đào tạo, tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến trên cả nước.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc sự kiện
Tại sự kiện, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Việt Nam”, thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát hơn 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt 75.400 tỉ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256.100 tỉ đồng vào năm 2026. Báo cáo nhận định nếu coi “Thương mại điện tử B2C” là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là "mặt hàng" thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Có tới 88% doanh nghiệp được khảo sát nhận định thương mại điện tử rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ, đồng thời tin rằng doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Thương mại điện tử toàn cầu dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, dự kiến đạt trên 7.000 tỉ đồng vào năm 2025. Tại Việt Nam, những năm gần đây thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế phục hồi sau đại dịch.Năm 2021 doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỉ USD, quy mô thị trường B2C chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25% mỗi năm, đạt xấp xỉ 35 tỉ USD vào năm 2025, chiếm 10% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo Anh Quân/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/thuong-mai-dien-tu-b2c-se-la-the-manh-cua-viet-nam-post1466834.html