Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đây công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.
1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định "khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo" là một trong các đột phá chiến lược.
Đây là lần đầu tiên, văn kiện Đại hội Đảng xác định "khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo" là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước, cho thấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực mà còn là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.
2. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6
Hội thảo với chủ đề "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và ĐH quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức thu hút 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm với tổng cộng 730 tham luận về các lĩnh vực: lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,…
3. Công trình khoa học Việt giành Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á
Công trình "Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước" giành giải đặc biệt của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award) năm 2021.
Đây là công trình do nhóm nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương (thuộc Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện.
4. Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới
Ngày 26-10-2021, Ban tổ chức Giải thưởng Truyền thông thế giới 2021 đã công bố mô hình thành phố thông minh do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới.
Mô hình được ứng dụng theo nhu cầu, đặc điểm, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh, thành phố giúp sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu.
5. Công trình kè chống sạt lở bờ biển huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Công trình không chỉ giải quyết vấn đề chống xói lở, khắc phục sóng gió, dòng chảy mà còn giải quyết vấn đề bồi lắng.
6. Áo hạ nhiệt, chống nóng cho nhân viên y tế phòng chống dịch Covid-19
Tháng 6-2021, mẫu áo này đã được nhóm kỹ sư Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm.
Bộ phận quan trọng nhất trên áo là tổ hợp vật liệu chuyển pha gồm hỗn hợp polyme và muối ăn, có chức năng hạ nhiệt, được gắn trên thân trước và sau áo.
“Mũ cách ly di động” Vihelm Make in Vietnam - Ảnh: Internet
7. "Mũ cách ly di động" Việt Nam được WIPO vinh danh
Ngày 29-11-2021, nhóm sáng chế "mũ cách ly di động" Vihelm gồm 3 bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ.
Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR, lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần so với khẩu trang N99.
Người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc (khoảng 4 giờ) mà không lo bị ngứa hay nóng, trong khi nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9%.
8. Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh được Pháp và Belarus vinh danh
Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã vinh dự nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp và Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus.
Ông là người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nước Pháp.
9. Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Ngày vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 16-3-2021, còn thanh long Bình Thuận là ngày 7-10-2021.
10. Ấn tượng TECHFEST 2021
Chương trình "Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021" thu hút hơn 2,5 triệu lượt người tham dự trực tiếp và trực tuyến với hơn 120 sự kiện được tổ chức.
Nền tảng Techfest 247 đã có 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, 11.558 lượt tham quan. Đặc biệt, với chuỗi hoạt động kết nối đầu tư đã hỗ trợ gần 350 start-up tiếp cận hơn 100 nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước, quốc tế và tổng số tiền đầu tư là hơn 15 triệu USD.
Ngoài 10 sự kiện được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, còn nhiều dấu ấn tiêu biểu khác trong lĩnh vực khoa hoc - công nghệ. Ví dụ:
- Vắc-xin Nanocovax của Công ty Nanogen đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 12.000 người. Ngoài ra, trong nước hiện còn 3 đơn vị khác cũng nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 theo các công nghệ khác nhau, gồm: Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC); Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac).
- Việt Nam tổng hợp thành công chế phẩm điều trị nCoV.
Nhóm nghiên cứu Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tìm ra phương pháp rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir dùng để kháng nCoV.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chống dịch: Robot vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và ngược lại; ứng dụng Cyber Callbot tự động gọi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 để thu thập thông tin...
- Thống nhất ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 (Ứng dụng PC Covid).
- Xu hướng NFT và vũ trụ ảo bùng nổ tại Việt Nam...
Theo Hoài Dương/ NLĐ
https://nld.com.vn/cong-nghe/nhung-dau-an-khoa-hoc-cong-nghe-noi-bat-nam-2021-20220129002505193.htm