Thế giới đã chuyển đổi số được hơn 20 năm, một số doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam có kinh nghiệm hơn 10 năm chuyển đổi số song đại đa số còn thờ ơ, chưa nhận thức đầy đủ
Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (CĐS) ngành chế biến gỗ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố mới đây cho thấy có gần 80% người được hỏi xác nhận CĐS là cốt lõi trong triển khai chiến lược kinh doanh tương lai nhưng chỉ khoảng 46% cho hay công ty họ có kế hoạch xây dựng chiến lược số trong 3-5 năm.
Thiếu nguồn lực
Báo cáo chỉ rõ mặc dù doanh nghiệp (DN) xác định CĐS là cách để tăng doanh thu, tăng năng suất, giảm chi phí và tìm kiếm thị trường mới nhưng hầu hết còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và nhân lực trong xây dựng và triển khai chiến lược số. Đặc biệt, vấn đề ngân sách dành cho CĐS và khả năng quản trị số là thách thức rất lớn của đa phần DN Việt Nam.
Logistics là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyển đổi số mạnh mẽ để hỗ trợ cho ngành bán lẻ .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, nhìn nhận mặc dù DN ngành gỗ được đánh giá là nhóm có nỗ lực lớn trong tìm phương án CĐS, vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng vẫn mang tính tự phát, mới nằm ở nhóm DN có tính tích cực cao, chưa lan tỏa đồng đều đến các DN trong ngành. Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA, thừa nhận DN trong ngành chưa CĐS tích cực do "có điều gì đó dè dặt". Hệ quả là dù Việt Nam có vị trí tương đối tốt trong bản đồ xuất khẩu gỗ thế giới song đóng góp của CĐS, công nghệ cao vào kết quả này chưa nhiều, gây lãng phí nguồn lực.
Không riêng ngành gỗ, nhiều DN thuộc tất cả lĩnh vực cũng tỏ ra chưa thật sự hào hứng với CĐS, chưa nhận thức được hết lợi ích mà CĐS mang lại. Giám đốc kinh doanh chiến lược của một DN công nghệ nhận xét nhiều DN truyền thống vẫn đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong tiến trình số hóa trong khi chưa có nền tảng ổn định và đủ thời gian tích lũy để tạo ra lợi nhuận nhanh, nhiều từ CĐS. Mặt khác, đa phần DN có quy mô vừa và nhỏ nên việc đầu tư tài chính để mở rộng kênh bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc… trở thành thách thức lớn, dễ khiến DN bỏ cuộc.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng việc nhận thức không rõ ràng về khái niệm CĐS là một trong những nguyên nhân dẫn tới CĐS thất bại. "Nhiều DN truyền thống nghi ngại CĐS vì chưa rõ hiệu quả mang lại, dẫn đến thái độ không sẵn sàng thay đổi. Điều này khiến mặt bằng chung về CĐS của các DN Việt Nam hiện rất thấp, chỉ một số DN, tập đoàn lớn, tiên phong mới mạnh dạn ứng dụng số hóa mạnh mẽ" - ông Lộc nêu thực trạng.
"Chuyển đổi số hay là chết?"
Đó là câu hỏi mà ông Nguyễn Hòa Bình, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, đặt ra trong một buổi nói chuyện với DN về CĐS. "CĐS không phải là điều gì mới. Nó diễn ra trên thế giới 20 năm nay và ở Việt Nam đã có những DN tiên phong CĐS hơn chục năm nay. Vấn đề là đại đa số DN không nhận thức kịp thời nên năng suất lao động kém, hệ quả là "cái chết" đã đến với không ít DN truyền thống trước sức mạnh của công nghệ" - ông Bình nói.
Chủ tịch Tập đoàn NextTech cũng cho biết theo thống kê của các tổ chức thế giới, có 18 ngành nghề sẽ là "nạn nhân" tiếp theo của kỹ thuật số, CĐS, ví dụ: đại lý du lịch, bệnh viện - bác sĩ, báo chí - truyền thông, phiên dịch viên, F&B (dịch vụ ăn uống), bán lẻ, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, sản xuất, logistics… "CĐS đơn giản là thường xuyên, liên tục ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động của DN như quản trị, nhập hàng, bán hàng, tiếp thị… với mục đích cuối cùng là nâng cao năng suất lao động, cắt giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận. Muốn làm được, chủ DN cần chủ động tự tìm hiểu, sử dụng các ứng dụng số, từ đó lan tỏa đến nhân viên. Ngoài ra, có thể tìm đối tác công nghệ để tận dụng công nghệ của họ và chia sẻ lợi nhuận, săn tìm các giám đốc công nghệ có năng lực…" - ông Bình khuyến cáo.
Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh - Phó Tổng Giám đốc Yeah1, Giám đốc điều hành Giga1 - khẳng định CĐS chỉ thành công khi DN, chủ DN thay đổi tư duy, hiểu được mục tiêu của CĐS và giá trị nó mang lại cho DN. "Với nhiều người, nhiều DN, CĐS như là trend (xu hướng), thấy người ta làm thì mình cũng làm mà quên mất rằng mục tiêu, hoạt động kinh doanh của DN mình có phù hợp để CĐS hay không và CĐS cách nào? Để làm được, đòi hỏi người đứng đầu phải hiểu khách hàng, hiểu thị trường để ứng dụng số hóa một cách phù hợp" - bà Quỳnh Anh lưu ý.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng không có đáp án chung cho việc CĐS. Mỗi DN có đặc điểm khác nhau nên cũng có những giải pháp khác nhau để thực hiện tiến trình này. Trong đó, tình hình tài chính và chiến lược của DN là yếu tố quyết định việc xác định mục tiêu CĐS cũng như cách thức và tiến trình thực hiện. "DN cần xác định mình đang ở đâu trong tiến trình này để đưa ra quyết định hành động và đầu tư một cách chính xác nhất. Thực tế, có DN đầu tư nhỏ nhưng phù hợp thì vẫn đạt được hiệu quả" - TS Lộc nói thêm.
Nhiều thuận lợi
Ths Vũ Trọng Nghĩa, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội), nhấn mạnh CĐS là thách thức nhưng cũng là cơ hội của DN trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các nhà quản trị cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi sẽ diễn ra liên tục, tránh rơi vào giai đoạn gián đoạn số và nguy cơ tụt hậu.
"So với các nước trong khu vực, Việt Nam có chỉ số hạ tầng kết nối tương đối tốt, chẳng hạn tỉ lệ thuê bao băng rộng cố định của chúng ta là 12%, trong khi Thái Lan chỉ có 11%. Tuy vậy, chỉ số nền tảng thanh toán của Việt Nam còn thấp với tỉ lệ giao dịch kỹ thuật số chỉ đạt 22%, thua xa Thái Lan với 62% và Indonesia với 34%. Với nền tảng công nghệ có sự thay đổi nhanh chóng và sự ủng hộ của Chính phủ thông qua việc xác định CĐS là chiến lược quốc gia, DN có nhiều thuận lợi để CĐS" - ông Nghĩa phân tích.
Theo Thùy Dương/ NLĐ
https://nld.com.vn/cong-nghe/doanh-nghiep-ngai-ngan-chuyen-doi-so-2021121820490539.htm