Nhiều người ở độ tuổi trung niên thường có biểu hiện nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều tối. Nếu không nhận biết và điều trị đúng bệnh, có thể dẫn tới nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, sự xuất hiện của các biểu hiện nêu trên có thể do: Dùng caffeine hoặc chất kích thích vào chiều tối; mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu; rối loạn chức năng tuyến giáp, phụ nữ tiền mãn kinh; tăng huyết áp - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất.
Các triệu chứng nóng phừng mặt, đau đầu, ù tai, chóng mặt... thường xảy ra chiều tối với người cao huyết áp ẢNH: PEXELS
Biến chứng nặng nếu chủ quan
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành là 18,9%, trong đó 43,1% người bệnh biết mình bị tăng huyết áp, nhưng chỉ có 24,9% được điều trị và 9,7% đạt mức mục tiêu điều trị huyết áp.
“Tại các phòng khám của bệnh viện, người bệnh thường phát hiện tăng huyết áp do đi khám sức khỏe tổng quát hoặc vì một bệnh lý bất kỳ. Mặc dù việc phát hiện tăng huyết áp không quá khó nhưng hầu hết người bệnh thường không có triệu chứng nên không đi khám, chưa sắp xếp được thời gian hoặc chủ quan nên để cho tự hết. Thậm chí có nhiều trường hợp, người bệnh lần đầu đi khám, huyết áp tâm thu lên tới hơn 200 - là mức tăng huyết áp cấp cứu nhưng nhất định từ chối điều trị vì thấy trong người khỏe vô cùng”, bác sĩ Thúy Hằng cho biết.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp không điều trị liên tục có thể gây ra tăng huyết áp kháng trị, khiến việc chỉnh liều của bác sĩ trở nên khó khăn hơn.
Theo bác sĩ Thúy Hằng, nếu chỉ số huyết áp không kiểm soát ở mức ổn định có thể dẫn tới nhiều biến chứng khác nhau ở tim, não, mắt, thận, mạch máu, thậm chí có những biến chứng rất nặng và xảy ra một cách đột ngột có thể gây tử vong ngay lập tức cho người bệnh.
“Có những trường hợp, vào chiều tối khi lên cơn huyết áp cao, trở mệt, thay vì phải được can thiệp ngay thì người bệnh lại không muốn đi khám do e ngại thời gian, muốn nghỉ ngơi chờ đến sáng. Điều này có thể dẫn tới đột quỵ não gây hôn mê yếu liệt, thậm chí tử vong. Do đó việc tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ là vô cùng cần thiết để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra”, bác sĩ Hằng nói thêm.
Ngoài nóng phừng mặt, tim đập nhanh, một số triệu chứng khác như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai… cũng có thể gặp ở người bệnh tăng huyết áp. Các triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn hoặc bị che lấp bởi các bệnh lý khác, do đó người bệnh nên đi khám để được bác sĩ thăm khám cụ thể để được chẩn đoán đúng bệnh.
Chế độ ăn Địa Trung Hải, nhiều rau xanh và chất béo tốt được khuyến khích cho người cao huyết áp ẢNH: NHƯ QUYÊN
Những điều “nên” và “không nên” làm khi tăng huyết áp
Đầu tiên, người bệnh không được bỏ thuốc khi không thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt; không tự ý tăng liều khi huyết áp tăng hơn so với ngày thường. Uống thuốc theo toa và theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên, kèm tái khám định kỳ là những điều mà người bệnh nên làm.
Tiếp đó, người bệnh cần phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, ngủ đúng giờ. Người trung niên dễ bị mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần báo với bác sĩ ngay khi gặp phải vấn đề này.
Bác sĩ Thúy Hằng còn đề xuất thêm chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng với những mục tiêu cụ thể như:
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong chung của người bệnh, do đó cần tầm soát các yếu tố nguy cơ. Mọi người nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ hằng năm để phát hiện bệnh sớm, đo huyết áp theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tốt hơn, tuân thủ phác đồ điều trị và thay đổi lối sống giúp ổn định huyết áp, tránh những cơn tăng huyết áp đột ngột dẫn tới những biến chứng không mong muốn.
Lối sinh hoạt tai hại Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, nhiều thói quen không tốt trong cuộc sống hằng ngày có thể ảnh hưởng tới người bệnh tăng huyết áp: “Do tính chất công việc, nhiều người thường xuyên ngồi một chỗ, ít tham gia tập thể dục thể thao. Có người vào thời gian rảnh lại thích nằm tiêu khiển cả ngày như đọc báo, lướt web, xem tivi… nhiều hơn là đi lại, nhất là khi có đau nhức xương khớp thì dù ít hay nhiều, họ cũng không muốn vận động. Điều này sẽ làm tích trữ năng lượng thừa khiến họ dễ thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến huyết áp”. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo, ngọt, ăn thức ăn nhanh càng làm tăng cân. Việc ăn mặn nhiều với lượng muối, mắm trong khẩu phần cao hay sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới huyết áp. Một yếu tố ít người quan tâm khác chính là thói quen thức khuya. “Nếu ban đêm người bệnh không ngủ đủ giấc, khi ngủ dậy vào buổi sáng có thể gặp cơn tăng huyết áp đột ngột. Những căng thẳng dồn ứ lâu ngày cũng có khả năng tác động lớn đến tình trạng bệnh”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh. |
Theo Như Quyên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/hay-nong-phung-mat-tim-dap-nhanh-vao-buoi-chieu-bac-si-chi-ra-benh-cach-phong-185241120170252832.htm