Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các cấp công đoàn trong tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất trong tình hình mới. Cùng đó, tích cực hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn và ủng hộ nhu yếu phẩm, góp sức cùng các tỉnh, thành phố miền Nam chống dịch.
Giữ môi trường làm việc an toàn, hỗ trợ đoàn viên khó khăn
Theo đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, toàn tỉnh có 294 doanh nghiệp (DN) trong tổng số 590 DN có nhiều lao động bị ảnh hưởng với hơn 227 nghìn đoàn viên, công nhân phải nghỉ việc do thực hiện cách ly, điều trị hoặc nằm trong vùng bị phong tỏa. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, cơ bản các DN đã trở lại sản xuất ổn định.
Đoàn viên Công đoàn Trường THCS Hợp Đức (Tân Yên) làm muối lạc ủng hộ các tỉnh miền Nam chống dịch.
Tuy vậy, để bảo đảm yêu cầu phòng dịch, kịp thời ngăn chặn nguồn lây vào khu, cụm công nghiệp, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh quán triệt nghiêm túc, yêu cầu 100% công đoàn cơ sở trong DN tham mưu với lãnh đạo thành lập Tổ an toàn Covid. Đây chính là đội ngũ quan trọng, quyết định hiệu quả triển khai và giám sát các biện pháp chống dịch tại DN.
Công đoàn Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (KCN Vân Trung) là một điển hình duy trì hiệu quả Tổ an toàn Covid. Ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Ngay khi công ty được phép hoạt động trở lại, Ban Chấp hành công đoàn đã đề xuất với ban giám đốc thành lập 5 Tổ an toàn Covid, thành viên ở bộ phận nhân sự, các tổ công đoàn và công nhân. Tổ làm nhiệm vụ nắm bắt tình hình đời sống, kiểm tra, nhắc nhở công nhân chấp hành quy định phòng dịch.
Với gần 20 nghìn công nhân di chuyển bằng phương tiện cá nhân, tổ quán triệt tới từng lao động thực hiện nghiêm phương án “một cung đường, hai điểm đến”; phát miễn phí khẩu trang; kiểm tra thân nhiệt 4 lần/ngày. Trường hợp nào nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường sẽ được đưa xuống phòng y tế để theo dõi. Công đoàn cũng phân công người theo sát các thông tin về dịch bệnh để thông báo đến công nhân qua hệ thống truyền thanh nội bộ, cập nhật chi tiết qua zalo, facebook. "Công ty luôn lưu ý đoàn viên, công nhân không chia sẻ thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho mọi người, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất”, ông Trường nói.
Nhằm giúp đoàn viên yên tâm làm việc, góp phần bảo vệ thành quả chống dịch, khôi phục sản xuất, Công đoàn các KCN tỉnh, LĐLĐ các huyện, TP còn bám sát tình hình đời sống công nhân, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động trong DN, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Với số lượng lớn công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, LĐLĐ huyện Việt Yên đã phân công cán bộ chuyên trách, phối hợp với cán bộ công đoàn cơ sở thành lập nhóm zalo của từng công ty, kịp thời nắm bắt, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn công nhân, DN hoàn thiện thủ tục hưởng chính sách. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, đến nay, huyện đã phê duyệt cho gần 4 nghìn công nhân thuộc diện phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hưởng hỗ trợ; hiện đã chi trả cho gần 1,7 nghìn người với số tiền 6,6 tỷ đồng.
Cùng hướng về miền Nam
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên hỗ trợ đoàn viên, công nhân trong vùng cách ly, phong tỏa, phối hợp trong công tác khôi phục sản xuất của các DN. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, cán bộ công đoàn, đoàn viên trong tỉnh đã không quản khó khăn, vất vả, kêu gọi ủng hộ nhu yếu phẩm, sẻ chia với bà con. Từ ngày 21/7 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã vận động được hàng chục tấn hàng hóa thiết yếu (gồm gạo, mỳ, bún khô, lạc nhân, muối lạc, rau củ, quả…) với tổng giá trị quy đổi hơn 1,8 tỷ đồng. Toàn bộ số nhu yếu phẩm này đều được LĐLĐ tỉnh đóng gói, tập kết để đoàn xe của tỉnh chuyển vào hỗ trợ các tỉnh miền Nam.
Được phân công nhiệm vụ Trưởng đoàn vận chuyển hàng đến hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Khắc Điều, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) chia sẻ: “Sau hai ngày đêm, đoàn xe đến điểm tiếp nhận hàng của hai tỉnh. Do quy định phòng dịch, chúng tôi không trao tận tay người dân nhưng các cán bộ trực tại điểm chốt đều rất cảm động, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhân dân tỉnh Bắc Giang”.
Là đơn vị tiêu biểu trong đợt vận động này, chỉ sau 6 ngày, LĐLĐ huyện Tân Yên đã kêu gọi ủng hộ số lượng hàng hóa quy đổi được hơn 200 triệu đồng với sự hưởng ứng nhiệt tình của 134 công đoàn cơ sở và hơn 11 nghìn đoàn viên, nhất là trong khối trường học. Hiểu được nhu cầu cấp thiết của người dân lúc này là thực phẩm, các đoàn viên khối giáo dục đã chạy đua với thời gian, tự tay chế biến gần 600 hộp muối lạc, ruốc thịt kịp gửi theo những chuyến xe hỗ trợ bà con miền Nam.
Điển hình như Công đoàn các trường: Tiểu học Ngọc Vân; THCS Hợp Đức; THCS An Dương; Mầm non thị trấn Cao Thượng. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện, đơn vị phân công cán bộ công đoàn tiếp nhận tại đơn vị, phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên bố trí người bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, tổ chức đóng gói, dán nhãn, phân loại cẩn thận. Những lời nhắn “hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt”, “chúc đồng bào miền Nam chiến thắng đại dịch” hay “Sài Gòn cố lên nhé!” được các cô giáo nắn nót viết trên hộp, túi thực phẩm giúp món quà thêm ý nghĩa, góp phần động viên người dân miền Nam thêm vững vàng chống dịch”.
Theo Tường Vi/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/366875/on-dinh-san-xuat-chung-tay-chong-dich.html