205
/
115451
Người cựu binh 3 lần vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
nguoi-cuu-binh-3-lan-vinh-du-gap-dai-tuong-vo-nguyen-giap
news

Người cựu binh 3 lần vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ 4, 25/08/2021 | 09:37:22
612 lượt xem

Trong cuộc đời 43 năm binh nghiệp của mình, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang, nguyên cán bộ Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng có 3 lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Một vị Đại tướng đúng là huyền thoại. Một con người bình dị hiếm thấy”- Đại tá Sơn cảm nhận.

Tháng 12/1971, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sơn lúc đó 17 tuổi quê xã Lan Mẫu (Lục Nam) nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện ở Tứ Sơn, đơn vị vào thẳng chiến trường Quảng Trị khói lửa. Sau này, trong những lần gặp mặt truyền thống, kỷ niệm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Sơn được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động của Đại tướng dành cho bộ đội, thương binh và những người đã ngã xuống. Chẳng hạn như trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, chiến trường lúc đó vô cùng ác liệt, Đại tướng điện trực tiếp để chỉ đạo chiến dịch. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện với các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T Hà Nội - đơn vị đã dũng cảm, mưu trí bắn rơi máy bay E.111 của Mỹ đêm 22/12/1972.    Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện với các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T Hà Nội - đơn vị đã dũng cảm, mưu trí bắn rơi máy bay E.111 của Mỹ đêm 22/12/1972. Ảnh tư liệu

Do đường dây thông tin bị đứt, lúc ấy một chiến sĩ thông tin trực, tuy bị thương nặng nhưng vẫn chịu đựng, dùng răng cắn chặt vào dây điện để nối mạch thông tin, quyết không để gián đoạn liên lạc. Sau đó, người chiến sĩ này đã hy sinh. Nghe câu chuyện, Đại tướng rất xúc động, lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Đại tá Sơn cho rằng, trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ưu tiên, dành thời gian thăm hỏi đời sống bộ đội, nhân dân, hỏi cặn kẽ tình hình cán bộ và gia đình nơi hậu phương.

Nhắc đến ba lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Văn Sơn kể: Sau cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ, tôi được cử đi đào tạo tại Trường Sỹ quan Lục quân 1. Tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng khi ông đến thăm Trường vào năm 1973. Học viên ngồi trong hội trường, Đại tướng đứng trên bục nói chuyện, nhiều nội dung lắm. Về đường lối chính trị, quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam; dặn dò cán bộ, học viên phải vinh dự, tự hào khi được chọn đào tạo tại ngôi trường này - ngôi trường đầu tiên của Quân đội ta (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật). 

Đại tướng dặn dò: “Các đồng chí ngồi đây cố gắng học tập, rèn luyện cho giỏi, trước mắt để trở thành cán bộ phân đội. Sau này, các đồng chí phấn đấu trở thành những cán bộ tham mưu ở cấp chiến dịch, chiến lược, vì các đồng chí đã có kinh nghiệm, trải qua thực tế chiến đấu, vấn đề này rất quan trọng”. Chúng tôi ngồi phía dưới, nghe Đại tướng truyền đạt, dặn dò như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, phấn đấu học tập, huấn luyện, rèn luyện chính quy.

Đoàn cán bộ Cục Tác chiến thăm, chúc Tết và xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự thảo cuốn kỷ yếu

Đoàn cán bộ Cục Tác chiến thăm, chúc Tết và xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự thảo cuốn kỷ yếu "Lịch sử Cục Tác chiến" (Đại tá Nguyễn Văn Sơn đứng thứ tư từ trái).

Sau gần 5 năm học tập, đào tạo tại Trường, năm 1977, ông Sơn nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn 2. Mùa thu năm 1992, trong một lần đi an dưỡng ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lần thứ hai ông Sơn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể: Lần gặp này đối với tôi thật là hạnh phúc. Sáng hôm đó, thời tiết mát mẻ, tôi dậy sớm đi bộ, thấy Đại tướng cũng đi bộ ở đây. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng Đại tướng vẫn rất khỏe mạnh, bước đi vững chãi, uy phong; mái tóc bạc trắng; nụ cười hiền hậu... Tôi chợt sững lại ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng đứng nghiêm chào bằng động tác điều lệnh. 

Đại tướng dừng lại vẫy tay, tôi lại gần: “Em chào Đại tướng”. Đại tướng ân cần hỏi: “Thế đồng chí ở đơn vị nào”. Tôi đáp: “Dạ, em ở Quân đoàn 2”; “Công tác ở đó lâu chưa?”. “Thưa Đại tướng, em được 15 năm rồi”. “Quân đoàn 2 có truyền thống chiến đấu anh dũng, quả cảm lắm. Được ở đây là vinh dự đấy” - Đại tướng nói. Nhắc đến đây, Đại tá Sơn nhớ đến bức mật điện được Đại tướng gửi động viên cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 vào đầu tháng 4/1975 với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Sau đó, với cử chỉ thân thiện, Đại tướng hỏi: “Thế quê đồng chí ở đâu?”, tôi nói: “Em ở Hà Bắc”. Đại tướng quay sang phía tôi: “Hà Bắc có cuộc khởi nghĩa Yên Thế của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, vậy đồng chí có ở Yên Thế không?”; “Dạ không, em ở Lục Nam”. Đại tướng tỏ ra ngạc nhiên: “Ồ Lục Nam, Hà Bắc, Mai Sưu, Tứ Sơn cũng là nơi luyện quân cho chiến trường miền Nam nhiều đấy”; “Dạ vâng ạ, em cũng được luyện quân ở đây trước khi vào Quảng Trị”… Tôi đi theo sau Đại tướng một đoạn dài. Đại tướng cũng thăm hỏi tình hình sức khỏe, gia đình, vợ con, động viên tôi mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn với những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn với những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần thứ ba được gặp Đại tướng là vào năm 2005. Khi ấy ông Sơn đang công tác tại Cục Tác chiến. Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Tác chiến 7/9 (1945-2005), Đại tá Sơn được tháp tùng Đoàn cán bộ đơn vị đến nhà riêng Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) chúc Tết, đồng thời xin ý kiến về dự thảo cuốn kỷ yếu “Lịch sử Cục Tác chiến”. Với vai trò thư ký cuốn kỷ yếu này, Đại tá Sơn đã ghi lại rất cụ thể, cẩn thận những góp ý, chỉ đạo của Đại tướng. Những ý kiến này đã được Cục Tác chiến lấy làm lời nói đầu cho cuốn kỷ yếu dày gần 1.000 trang. Sau đó, Đại tướng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn chúng tôi.

Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ tại đất mẹ Quảng Bình. Ba lần về thăm chiến trường xưa là cả ba lần Đại tá Nguyễn Văn Sơn đều dành thời gian đến Vũng Chùa - Đảo Yến, thành kính thắp nén tâm nhang viếng mộ Đại tướng. Ông xúc động: “Cùng với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng là huyền thoại. Một con người văn võ song toàn, một trái tim lớn nhưng vô cùng ấm áp, bình dị. Những lần được gặp Đại tướng, tôi luôn coi đó là hành trang quý giá trong cuộc đời”.

Năm 2012, về nghỉ hưu tại thôn Trung Hậu, xã Lan Mẫu (Lục Nam), Đại tá Nguyễn Văn Sơn sống bình dị cùng gia đình; từng làm Bí thư Chi bộ thôn. Hiện ông là Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng trị 1972; Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư, có nhiều đóng góp đưa Lan Mẫu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Thu Phong/BGĐT

http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/366731/nguoi-cuu-binh-3-lan-vinh-du-gap-dai-tuong-vo-nguyen-giap.html

  • Từ khóa

Bộ Nội vụ nêu nhiệm vụ triển khai hiệu quả cải cách tiền lương mới từ 1-7

Theo Bộ Nội vụ, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài chính sách chế độ tiền lương chung của cán bộ.
21:05 - 30/04/2024
50 lượt xem

Lễ thượng cờ "Thống nhất non sông" bên bờ Hiền Lương - Bến Hải

Trong không khí trang nghiêm của ngày 30/4 lịch sử, lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại kỳ đài Di tích Hiền Lương - Bến Hải trong tiếng nhạc "Tiến quân ca"...
12:00 - 30/04/2024
282 lượt xem

Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam bảo tồn di sản

Nhật Bản mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các di sản hiện nay như Hoàng thành Thăng Long, di sản Hội An...
11:06 - 30/04/2024
287 lượt xem

Nâng cao vị thế Việt Nam giữa thế giới biến động

Thời gian qua, chính sách đối ngoại của Việt Nam trở thành từ khóa trên truyền thông quốc tế. Việt Nam được quan tâm lớn khi là nước duy nhất trong năm...
08:08 - 30/04/2024
358 lượt xem

Ký ức người lính lái xe chở tướng Nguyễn Quốc Thước tiến vào Dinh Độc Lập

"Khi súng ngừng bắn ở Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975, tôi biết cũng là lúc quân ta toàn thắng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất", ông Nguyễn Bá Mẽ nghẹn...
08:04 - 30/04/2024
384 lượt xem