“Miền Trung đang phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bà con bây giờ khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm cũng không có nước nấu, phải ăn sống!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sáng 2/11, phát biểu tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Kim Ngân cho rằng, khi thảo luận mà không gắn với nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai là chưa đầy đủ. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu bàn các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung.
Di dân ra khỏi vùng sạt lở
“Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới giờ, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bà con bây giờ khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm mà cho cũng không có nước nấu, phải ăn sống!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại các vụ sạt lở vừa qua đã cướp đi sinh mạng của gần một trăm người dân và các chiến sĩ. “Chúng ta có đại biểu Nguyễn Văn Man đã hy sinh khi chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Ít có dịp tiếp xúc, nhưng khi nhắc tới Nguyễn Văn Man thì tôi hình dung ra được ngay khuôn mặt của đại biểu”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Trước tình hình thiên tai ở miền Trung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ngành trước mắt cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân. Đảm bảo sau khi nước rút dịch bệnh không bị bùng phát, nhân dân sớm vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, ngư dân mất tích ngoài biển…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phải lồng ghép nội dung khắc phục phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới. “Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bà Ngân đưa ra ví dụ cụ thể cho việc xây dựng kế hoạch trên, đó là phải chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai. “Chẳng nhẽ thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vậy hay sao? Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng thiên tai và hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thủy điện nhỏ ảnh hưởng ghê gớm mà không ai chịu trách nhiệm?
Phát biểu tại tổ, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, các cơ quan chức năng phải thống kê, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủy điện, hồ đập. Bởi theo đại biểu, các thủy điện thời gian qua đã đóng góp ngân sách thế nào thì chưa biết, nhưng hệ lụy của họ mang lại thì đã thấy rõ. Cụ thể về mùa khô thủy điện giữ nước lại, dẫn đến việc dân không có nước sản xuất. Còn về mùa mưa, sợ vỡ đập, thủy điện xả nước, dân dưới hạ nguồn lãnh đủ.
“Trước đây, Quốc hội đã một lần chặn thủy điện vừa và nhỏ, loại bỏ hơn 400 dự án, nhưng sau đó lại âm thầm bổ sung, âm thầm làm. Tôi đề nghị cung cấp cho đại biểu biết, toàn quốc có bao nhiêu thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ. Cần thiết thì phải có những chính sách tính toán cho hợp lý, cái nào dừng lại thì phải dừng. Còn cứ để thao túng cái này thì ảnh hưởng ghê gớm đến cuộc sống nhân dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm”, đại biểu Đặng Thuần Phong nói.
Chỉ trong thời gian ngắn nhiều tỉnh miền Trung phải gánh chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra
Cùng vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước hiện nay có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Hiện có 401/401 các đập đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.
Theo ông Trần Tuấn Anh, chúng ta có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ. Trong đó quy định trách nhiệm rất rõ các bộ ngành, trong đó có các Bộ Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đảm bảo quản lý an toàn hồ đập thủy điện, cũng như quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, công tác vận hành của các hồ, đập thủy điện. Trên thực tế, các bộ ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, trong mùa mưa lũ 2020 vừa qua đơn vị này phối hợp với các bộ ngành đi kiểm tra làm việc với các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
“Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trước những hoài nghi về việc các hồ thủy điện xả lũ gây ngập lụt, ông Trần Tuấn Anh đưa ra ví dụ thực tế như hồ thủy điện Đắk Mi 4 ở Quảng Nam có khả năng điều tiết lũ, cắt lũ nếu không có những thời điểm như đỉnh lũ vào ngày 28/10 vừa qua sẽ ngập trắng hạ lưu.
Về nguyên nhân dẫn đến lũ lụt ở miền Trung vừa qua, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, tính dị thường, cực đoan của thời tiết, theo ông, là một nguyên nhân lớn gây thiên tai, lũ lụt.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-ba-con-mien-trung-dang-kho-lam-20201102120046397.htm#dt_source=Cate_ChinhTri&dt_campaign=Top3&dt_medium=2