Sau khi ông Võ Chí Công thuyết phục Bộ Chính trị về phương thức khoán ruộng, sáng kiến của Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc đã tạo nên kỳ tích cho Nông Nghiệp Việt Nam.
10 năm sau ngày Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc nghỉ hưu và mất, “khoán hộ” mà ông triển khai ở địa phương từ cả chục năm trước mới chính thức đi vào Nghị quyết 10 về khoán hộ của Bộ Chính trị (năm 1988). Mô hình “khoán chui” có tên gọi chính thức “Khoán 10”, đi vào lịch sử cách mạng thời kỳ đổi mới.
Trước đó, khoán hộ được Bí thư Kim Ngọc mạnh dạn cho thí điểm ở một số huyện như Vĩnh Tường, Yên Lạc… từ những năm 1965. Khi đó, không ít người đã lên tiếng phê phán khoán hộ là xa rời Chủ nghĩa Xã hội, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hoá.
Ông Nguyễn Thành Tô - thư ký của Bí thư Kim Ngọc trong thời gian dài kể, đầu năm 1968, Trung ương có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Tỉnh uỷ Vĩnh Phú phải kiểm điểm về làm khoán hộ vì đó là một cách làm “phá vỡ quan hệ sản xuất Xã hội Chủ nghĩa, đẩy lùi tiến bộ khoa học kỹ thuật”. Bản kiểm điểm của ông Ngọc có đoạn viết: “Trong quá trình thực hiện công việc nông nghiệp, tôi có một sai lầm nghiêm trọng. Khuyết điểm, sai lầm lớn nhất của tôi là khoán hộ”.
Sau đó, khoán hộ bị dừng lại nhưng nhiều hợp tác xã, nông dân ở nhiều địa phương vẫn lặng lẽ làm “khoán chui”. Cũng theo ông Tô, rất may “khoán chui” lại được một trong những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ lúc đó ủng hộ hết mình. Đó là cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, khi ấy giữ cương vị là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp.
Sau này, trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” của ông Võ Chí Công có đoạn: “…Anh em nói đây là làm “chui”, tôi trả lời lĩnh vực này là trách nhiệm của tôi, tôi không làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, hơn nữa đây mới là thí điểm”.
Trợ lý của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, ông Đinh Văn Niệm kể, cuối những năm 1970, ông Võ Chí Công quyết liệt đi thị sát nhiều địa phương, từ Đồ Sơn (Hải Phòng) tới Thổ Tang (Vĩnh Phú), tới nhiều hợp tác xã làm “khoán chui” (đã giao khoán đất cho xã viên tự làm tự chịu trách nhiệm nhưng không dám báo cáo), giao mở rộng thí điểm mô hình khoán, ghi nhận kết quả tích cực, ông quyết định trực tiếp báo cáo Trung ương.
“Rất nhiều cuộc họp căng, kéo dài ở Bộ Chính trị, anh Năm Công cương quyết bảo vệ “ý tưởng” khoán của Bí thư Kim Ngọc vì thấy cách làm thực sự hiệu quả. Đến giữa tháng 1/1981, Ban Bí thư nhất trí ban hành Chỉ thị 100 về mở rộng công khoán đến nhóm người lao động trong hợp tác xã, “khơi lại đường sống” cho khoán hộ” - ông Niệm kể.
Và vẫn phải thêm gần 10 năm nữa, “khoán chui” của Bí thư Kim Ngọc mới chính thức được công nhận với Nghị quyết “Khoán 10” của Bộ Chính trị. Cái giá phải trả của tư duy “đi trước thời gian” không hề nhỏ, ngay cả khi “nằm xuống”, ông Kim Ngọc vẫn day dứt, khoán hộ liệu có được… “minh oan”?
Nhớ lại những quyết định đột phá 40 năm trước, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó Thủ tướng) Đoàn Duy Thành kể, trước đổi mới, dân đói lắm. Khi là lãnh đạo Hải Phòng, ông vô cùng day dứt khi chứng kiến người nghèo đến đầy trước nơi làm việc của thành ủy, ủy ban để xin ăn. Đói là vậy nhưng trên các cánh đồng hợp tác xã, dân chống cuốc đứng nhìn trời, nhìn đất và nhìn nhau, không ai muốn làm…
Ông chia sẻ, việc khoán hộ, giao ruộng cho nông dân, ông đã suy nghĩ từ lâu. Sau sự việc Vĩnh Phúc tổ chức mô hình khoán bị phê phán, ông vẫn về tỉnh này gặp Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc để tìm hiểu. Ông nhận thấy vấn đề mấu chốt ở các hợp tác xã là do khâu quản lý. Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Đem vấn đề này bàn với lãnh đạo chủ chốt của Hải Phòng, Thành uỷ thống nhất dự thảo nghị quyết về “khoán sản” trong nông nghiệp (Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8/1980), thí điểm ở huyện Đồ Sơn.
“Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Chúng tôi bàn trong lãnh đạo chủ chốt là ngoài việc làm công tác vận động để nội bộ đồng thuận hơn, điều rất quan trọng là phải tranh thủ sự đồng tình của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Tôi đến nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương “khoán” của Hải Phòng. Tổng Bí thư nghe rất kỹ và bảo: “Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào” – ông Thành kể.
Khó khăn nhất khi đó là thuyết phục Chủ tịch nước Trường Chinh, Thủ tướng Đỗ Mười. Phải báo cáo nhiều lần, mời ông xuống cơ sở, cung cấp các số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống nhân dân, công chức, rồi cuối cùng, xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hải Phòng, ông mới đồng tình.
Kết quả năm khoán đầu tiên, năng suất tăng lên 4,5 - 5 tấn thóc/ha (trước đó chỉ 3-3,8 tấn/ha). Những năm sau đó, Hải Phòng đã tự túc lương thực được cho cả khu vực phi nông nghiệp, không còn phải lên Trung ương xin gạo, xin mì, Trung ương mới công nhận thành công của khoán sản và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ra đời.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Đoàn Duy Thành cũng trăn trở với vấn đề phát sinh của cơ chế bao cấp là chế độ tem phiếu, nung nấu ý định xóa bỏ tem phiếu ở Hải Phòng. Ông “bảo lãnh” cho việc đốt huỷ tem phiếu tại thành phố giữa tháng 5/1984.
Nói về chuyện này, nguyên Giám đốc Sở Thương nghiệp và Du lịch Bùi Kim Tín nhớ lại: “Hôm đốt tem phiếu, bề ngoài lãnh đạo Hải Phòng tỏ ra rất bình tĩnh nhưng thực sự trong lòng vẫn run vì việc làm “vô tiền khoáng hậu” này chắc chắn sẽ phải đối mặt với búa rìu dư luận”.
Và quả thật đã có một “cơn lũ” phản ứng dữ dội ập tới. Các tỉnh lân cận cho rằng việc xóa bỏ tem phiếu ở Hải Phòng dễ gây mất ổn định kinh tế-xã hội và cần phải ngăn chặn. Cán bộ lãnh đạo Hải Phòng lần nữa gặp lao đao... Nhưng ít năm sau, Nhà nước chính thức quyết định xóa bỏ chế độ tem phiếu. Hải Phòng là địa phương đi trước cả nước nên sớm ổn định.
Là Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực TPHCM vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, bà Ba Thi (tên thật Nguyễn Thị Ráo) được coi là người “nổ phát súng đầu tiên” vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả việc bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước.
Những cán bộ phụ trách hành chính của công ty thời bấy giờ thuật lại, sau giải phóng, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước (4 triệu dân) nên nhu cầu lương thực rất lớn. Ngoài phần lúa gạo do các huyện nông thôn ngoại thành tự sản xuất, hằng tháng, thành phố phải cần tối thiểu 4 vạn tấn lương thực. Khi thành phố áp dụng chế độ bao cấp lương thực, tình hình cung cấp lương thực luôn trong cảnh căng thẳng.
Khi đó, trăn trở nhiều, trên cương vị Phó giám đốc Sở Lương thực thành phố, bà Ba Thi dũng cảm đề xuất về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo để phục vụ người dân thành phố. Bà thuyết phục lãnh đạo TPHCM: Thành phố đang thiếu gạo trầm trọng, trong khi đó ở một số địa phương khác lại dư lúa, thừa gạo, thậm chí lúa để ẩm mục, làm phân, gạo đen cho gà ăn không hết… Tại sao không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu, đang rất cần cho cuộc sống hằng ngày?
Tuy nhiên, bà Ba Thi cũng báo cáo, cách làm thông thoáng này sẽ thực hiện được, nhưng “nếu Trung ương biết là đi tù”. Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt khi đó quả quyết, mọi người vì chạy gạo cho dân ăn mà phải đi tù, ông sẽ mang cơm đi thăm nuôi. Ông Sáu Dân sau đó khẳng định trước lãnh đạo thành phố sẽ chịu trách nhiệm cao nhất về chủ trương vượt rào này, kể cả những việc cụ thể như quyết định mức giá thỏa thuận với nông dân.
Từ đó, “Tổ thu mua lúa gạo” ra đời. Với ý tưởng này, bà Ba Thi đã góp phần giúp thành phố “phá rào”, phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ “ngăn sông cấm chợ” khi ấy.
Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra, cũng do bị cô lập, do tệ “ngăn sông cấm chợ” mà hàng hóa không lưu thông được. Ở nông thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau… mà không có để mua, dù trong tay có tiền. Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị, phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, tạo ra hàng hoá hai chiều. Bà đã mang phiếu dầu, phiếu vải, phiếu thuốc… tới Cà Mau, Bạc Liêu để đổi lúa gạo. Với hoạt động đó, tình trạng thiếu gạo của TPHCM và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.
Ở thời điểm ấy, có nhiều đoàn thanh tra từ miền Bắc vào TPHCM để “lập lại trật tự”. Năm 1982, sau khi vào Bộ Chính trị, được điều động giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trường, ông Võ Văn Kiệt hết sức thuyết phục các lãnh đạo cấp cao đi cơ sở nhiều để hiểu tình hình, hiểu cách làm thực tế như “Tổ thu mua lúa gạo”.
Ông Võ Văn Kiệt sau này chia sẻ, khi đó, ông cũng chưa ý thức đầy đủ về kinh tế thị trường nhưng nhờ nguyên tắc “không thể coi một việc làm là sai khi nó mang lại nhiều lợi ích hơn cho công nhân, cho nhà máy và cho đất nước” mà khuyến khích, thúc đẩy được những việc làm đột phá.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-tri.htm#dt_source=&dt_campaign=MenuCate&dt_medium=1