205
/
97545
Cạnh tranh giữa các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế
canh-tranh-giua-cac-nuoc-can-tuan-thu-luat-phap-quoc-te
news

Cạnh tranh giữa các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế

Thứ 5, 17/09/2020 | 11:33:47
275 lượt xem

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có buổi trò chuyện với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về chuỗi hoạt động nổi bật và quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM53) và các hoạt động liên quan.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Những kết quả nổi bật của chuỗi hội nghị quan trọng trong khuôn khổ AMM53 và vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam xuyên suốt từ đầu năm đến nay là gì, thưa ông?

Ông Phạm Quang Vinh: Nhìn lại từ đầu năm đến nay, các hội nghị trong khuôn khổ AMM53 lần này đã kế thừa và nhân lên những kết quả, những nỗ lực mà Việt Nam cùng ASEAN trong các chương trình phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế, cũng như những vấn đề trung tâm của ASEAN trong năm 2020.

Ngay từ đầu năm, khi dịch mới bùng phát, thì ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh, như là nguy cơ chung cho cả khu vực và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Chính điều này đã tái khởi động một loạt những cơ chế của ASEAN trong phòng chống dịch và những cuộc họp của ASEAN.

Trong suốt quá trình sau khi có Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về tình hình đại dịch, Việt Nam đã chủ động tham vấn và tổ chức hàng loạt cuộc họp, bao gồm các cuộc điện đàm giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN; đối thoại giữa Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN với các đối tác, đặc biệt là họp với cơ chế ASEAN+3 (Trung, Nhật, Hàn) về ứng phó dịch COVID-19, để thực hiện nhiệm vụ kép chưa từng có trong khu vực, đó là ứng phó với đại dịch, đồng thời hỗ trợ nhau phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế.

Tháng 6 vừa qua, vượt qua tất cả những khó khăn về đại dịch, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN theo hình thức trực tuyến, thể hiện rất rõ trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị đã nhấn mạnh hơn nữa về tập trung phòng chống đại dịch, song song là phải phục hồi kinh tế. 

Trước những nhiệm vụ cấp bách như vậy, ASEAN cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã đặt ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đó là duy trì một ASEAN đoàn kết để cùng ứng phó với những chuyển dịch trong cục diện thế giới hiện nay, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường hợp tác ASEAN với các nước đối tác; tiếp tục thúc đẩy đoàn kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; kịp thời ứng phó với những vấn đề nảy sinh trong khu vực, bao gồm cả thách thức trên lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề Mekong, biến đổi khí hậu và Biển Đông.

Thông qua kết quả của chuỗi Hội nghị AMM 53 lần này cho thấy một Việt Nam trách nhiệm, chủ động và sáng tạo. Trách nhiệm là khi có vấn đề nảy sinh, mặc dù Việt Nam cũng đang phải tập trung phòng chống dịch, nhưng chúng ta vẫn duy trì cao độ trách nhiệm nước Chủ tịch ASEAN. Chủ động là khi xuất hiện những tình huống mới, những tình huống khẩn cấp, Việt Nam một mặt vừa chủ động ứng phó với những cấp bách là đại dịch, nhưng đồng thời không quên những việc cần phải làm của năm Chủ tịch ASEAN 2020. Sáng tạo là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc họp, tham vấn trực tuyến được Việt Nam khởi động diễn ra liên tục trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch, đã thể hiện sự sáng tạo của Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động của ASEAN và tạo ra những thỏa thuận và đồng thuận trong ASEAN.   

Ông có thể cho biết về những nội dung mới của Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 trước tình hình quốc tế và khu vực hiện nay?

Ông Phạm Quang Vinh: Nhìn một cách tổng thể, không chỉ ARF, mà AMM 53 và một loạt trao đổi ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1 với 10 đối tác lớn của ASEAN (Canada, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Nga) diễn ra trong khuôn khổ hội nghị lần này có cả kế thừa và có cả những điểm mới.

Kế thừa là Hội nghị Bộ trưởng lần này đã dựa trên cơ sở kết quả của chỉ đạo cấp cao và những hoạt động từ đầu năm đến nay để khẳng định rằng ASEAN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa tìm cách phục hồi kinh tế, tìm cách mở cửa một cách có kiểm soát sao cho an toàn nhất, nhưng cũng có lợi nhất cho phát triển kinh tế. Tiếp đến là hiện thực hóa những vấn đề đã bàn từ đầu năm đến nay như thành lập Quỹ ứng phó và phòng chống đại dịch, hay Kho vật tư y tế phòng chống đại dịch.

Bên cạnh đó, các hội nghị lần này cũng cập nhật một số việc mới là tạo cơ sở hình thành khung phục hồi kinh tế, làm sao để các nước có thể khôi phục từng bước chuỗi cung ứng toàn cầu, khôi phục đường bay, khôi phục du lịch, khôi phục các hoạt động, mở cửa một cách có phối hợp, có kiểm soát, bảo đảm nhiệm vụ phòng chống dịch. 

Một điểm mới nữa, chuỗi hội nghị lần này là một trong những dịp quan trọng và đầy đủ nhất những tham vấn của ASEAN với các đối tác, đều được ASEAN và Việt Nam chia sẻ để cùng thống nhất hành động. Đồng thời đưa ra đề nghị các đối tác tăng cường hợp tác và ủng hộ ASEAN trong những mục tiêu ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020, đó là tập trung xây dựng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, ASEAN đã tham vấn để hướng tới quyết định là thêm một số đối tác đối thoại ở những cấp độ khác nhau đối với ASEAN, trong đó có Anh, Pháp, Italy. 

Từ đầu năm đến nay và trong dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này là dịp vừa kiểm điểm giữa kỳ Tầm nhìn ASEAN đến 2025 về xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN, đồng thời đặt nền móng cho việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025 trong một cục diện mới có nhiều biến động và thay đổi. Đây là việc nhận được sự ủng hộ của các nước, bao gồm cả trong và ngoài ASEAN. 

Tăng cường trao đổi và phát triển hợp tác tiểu vùng để các tiểu vùng cùng đồng hành phát triển mà không ai bị bỏ lại phía sau trong xây dựng cộng đồng ASEAN cũng là sáng kiến của Việt Nam và được đưa vào hội nghị lần này. Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề của Mekong với các khu vực khác trong phát triển kinh tế, xây dựng cộng đồng, liên kết khu vực và trong việc tranh thủ các dự án hợp tác của các nước đối tác với Tiểu vùng Mekong, bao gồm cả vấn đề bảo vệ và an ninh nguồn nước. Các nước đã chia sẻ và nhấn mạnh đồng thuận với ASEAN về vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và tự do hàng hải ở Biển Đông trước bối cảnh khu vực vẫn còn những diễn biến phức tạp, thống nhất kiềm chế và không làm phức tạp thêm, đặc biệt phải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. 

Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN thay đổi để thích ứng với môi trường quốc tế đang có nhiều chuyển biến lớn như hiện nay và mong muốn của Việt Nam qua hội nghị lần này là gì, thưa ông?

Ông Phạm Quang Vinh: Cần phải nhìn nhận rằng, thế giới hiện đang có nhiều chuyển biến rất lớn. Đó là chuyển biến về cục diện địa chính trị và địa kinh tế. Nổi lên là cạnh tranh nhiều mặt, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao và rất toàn diện. Trong thời điểm các nước đang căng mình phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, thì đây chính là một thách thức lớn.

Khi cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng và quyết liệt nhiều mặt như vậy đã đặt ra câu hỏi, vậy tiếng nói của những nước nhỏ ở đâu, tiếng nói của khu vực như thế nào, liệu có phải chọn bên hay không? Trong các cơ chế hợp tác, ASEAN sẽ phải chèo lái thế nào để những cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, không ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác và phối hợp trong các cơ chế đối thoại của ASEAN? Trước những vấn đề nảy sinh phức tạp trong đó có vấn đề Mekong, Biển Đông, biến đổi khí hậu và vấn đề bán đảo Triều Tiên, ASEAN làm thế nào để vẫn duy trì được vai trò và tiếng nói của mình mà không để những cạnh tranh này tác động tiêu cực đến những nỗ lực của ASEAN trong những vấn đề này?

Đứng trước hàng loạt vấn đề được đặt ra, trước những cạnh tranh nước lớn này, ASEAN xác định cho mình rằng, cần phải dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung của khu vực để xem xét các vấn đề. ASEAN đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm không muốn chọn bên, không muốn đứng về bên nào, mà ASEAN muốn quan hệ tốt với tất cả các nước đối thoại của mình, đặc biệt là với  cả Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác rất lớn của ASEAN và cho rằng sự cạnh tranh giữa hai đối tác đều cần phải dựa trên luật pháp quốc tế, không lôi kéo và bắt buộc các nước trong khu vực phải chọn đứng về phía bên nào.

Trên những vấn đề cụ thể, bao gồm vấn đề Biển Đông liên quan đến các nước lớn, liên quan đến cục diện địa chiến lược của khu vực này, ASEAN vẫn khẳng định rõ những lập trường của mình. Các bên đều phải kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình, mọi hành vi, mọi ứng xử ở khu vực này đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải cũng như xây dựng lòng tin là rất quan trọng. Trong giai đoạn chuyển mình này của thế giới, ASEAN đã thể hiện được nguyên tắc nhất quán là lấy lợi ích chung của khu vực và lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở cho lập trường của mình. Hơn nữa là ASEAN đã đạt được những đồng thuận quan trọng về những vấn đề rất cốt yếu của khu vực, qua đó làm chỗ dựa cho phán xét về quan hệ với các đối tác và ứng xử với các vấn đề nảy sinh của khu vực.

Trong một bối cảnh tình hình thế giới đang chuyển động rất phức tạp, trong một bối cảnh đặc biệt mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến, đó là dịch bệnh dẫn đến cách ly xã hội và phong tỏa và trong bối cảnh các nước đều phải tập trung phòng chống dịch, mà ASEAN vẫn ngày càng phát huy được vị thế như vậy, cho thấy vai trò điều phối, vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN là rất quan trọng, rất chủ động, rất trách nhiệm và thực sự rất hiệu quả, đã góp phần xây dựng một ASEAN đồng thuận, đoàn kết, một ASEAN thích ứng và một ASEAN hành động. Chính hành động đó của ASEAN đã đóng góp cho vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực ngày càng quan trọng hơn.

Theo Hồng Nguyên/Chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Canh-tranh-giua-cac-nuoc-can-tuan-thu-luat-phap-quoc-te/407882.vgp

  • Từ khóa

Bộ Công an đề xuất loạt quy định mới về đăng ký thường trú, tạm trú

Tại dự thảo nghị định mới, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung tập trung vào các loại giấy người dân cần chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký thường trú, tạm...
18:19 - 07/05/2024
394 lượt xem

Bộ Công an đề xuất hàng loạt thay đổi về giấy phép lái xe

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an vừa hoàn thiện, Ban soạn thảo đề xuất giấy phép lái xe hạng A sẽ thay thế hạng A2...
15:32 - 07/05/2024
372 lượt xem

ACV nói phí sân bay thấp, khó tác động tăng giá vé máy bay

Theo ACV, chi phí sân bay trong một vé máy bay nội địa khoảng 125.000 - 170.000 đồng tùy sân bay. Đây là số tiền khá thấp trong tổng giá vé khách chi trả...
15:10 - 07/05/2024
382 lượt xem

Cục Hàng không đề nghị hành khách cung cấp thông tin về giá vé máy bay cao bất thường

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hành khách mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải...
11:34 - 07/05/2024
473 lượt xem

Vụ sạt lở làm 3 công nhân tử vong: Đất đá đổ về quá nhanh, nhiều người không chạy kịp

Đang thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 thì gặp mưa lớn, 18 công nhân trở về lán tạm dựng bên suối để trú mưa thì bất ngờ xảy ra vụ sạt lở, khối lượng...
10:18 - 07/05/2024
525 lượt xem