“Có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn … đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”.
Hôm nay (14/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Phiên họp thứ 48 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
3 trường hợp nộp lại quà tặng
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Dù gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hướng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhưng hầu hết các nhiệm vụ về công tác này vẫn cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch, có nhiệm vụ vượt yêu cầu.
Cụ thể như 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được tiến hành và phát hiện 335 vụ việc, 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019). 56 người bị kỷ luật và 64 người bị xử lý hình sự.Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 19 đơn vị cũng phát hiện trong tuyển dụng công chức, viên chức thông báo không được công khai, quy định bằng cấp chuyên môn không phù hợp; thiếu sót; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh và trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm…
Trong năm nay có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Các cấp, các ngành cũng đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).
Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, Báo cáo cho biết có 81 trường hợp bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dânđã thụ lý điều tra508vụ án, 1.186bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286vụ,606bị can (tăng 15vụ,58bị can so với cùng kỳ năm 2019); thiệt hại trên 9.000tỷ đồng và 45.503,5m2 đất; thu hồi trên 10.000tỷ đồng. Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng cũng điều tra và xử lý tham nhũng 4 vụ, số tiền thiệt hại do tham nhũng là hơn 27,713 tỷ đồng.
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cũng có chuyển biến tích cực khi thi hành xong số tiền là hơn 11.390 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung.
“Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước” – báo cáo nhấn mạnh.
Tình trạng “bảo kê”, bao che vẫn diễn ra
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao về những kết quả đạt được, tuy nhiên cũng cho rằng công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cụ thể như việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến; thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý. Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn … đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.
Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị về đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/index.php/chinh-tri/bo-nhiem-can-bo-than-toc-thieu-minh-bachgay-hoai-nghi-trong-du-luan-778591.vov