205
/
97283
Sáng mãi "ngọn lửa thiêng"
sang-mai-ngon-lua-thieng
news

Sáng mãi "ngọn lửa thiêng"

Thứ 7, 12/09/2020 | 08:25:50
455 lượt xem

Khí phách và tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc. "Ngọn lửa thiêng" Xô viết Nghệ - Tĩnh sáng mãi, là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Ðảng bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương.

Ðông đảo người dân đến tham quan Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh. 

Thiêng liêng giây phút "về nguồn"

Xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong những ngày qua đón đông đảo người dân và du khách về nguồn tri ân các Anh hùng, liệt sĩ. Anh Bạch Vũ Hưng, một người con xa quê của đất Hưng Nguyên, nói: Dù đi khắp trăm miền nhưng mỗi người dân Hưng Nguyên luôn tự hào với quê hương "cái nôi" của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Niềm tự hào đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nét văn hóa người xứ Nghệ lập nghiệp xa quê. Trong nhiều năm qua, những người con xa xứ của đất Hưng Nguyên vẫn luôn tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới tại quê nhà. Chủ tịch UBND xã Long Xá Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Long Xá nhiệm kỳ qua có một phần đóng góp rất lớn của những người con xa quê hương. Trong cả nhiệm kỳ, xã đã huy động được hơn 100 tỷ đồng từ những nguồn xã hội hóa. Phần lớn trong số vốn này được đầu tư vào xây dựng trường học, đường liên thôn, liên xã, các công trình thuộc thiết chế văn hóa tại địa phương. Long Xá là xã thuần nông với hơn 80% dân số sản xuất nông nghiệp. Với nỗ lực và quyết tâm của toàn dân, toàn Ðảng bộ, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình. Lý giải thành công ấy, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết cho rằng đó là nhờ công tác giáo dục truyền thống trên quê hương đạt kết quả tốt trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

Di tích lịch sử đền Xuân Hòa, nơi 90 năm trước đã nổ ra cuộc biểu tình chống chính quyền thực dân đô hộ của nhân dân Long Xá. Chúng tôi hòa chung dòng người "về nguồn" bồi hồi đứng đọc dòng lịch sử hào hùng về phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ghi tại đền: Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai, 3 giờ sáng, ngày 12-9-1930, tại đền Xuân Hòa hơn 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên đã hội tụ. Sau hiệu lệnh là tiếng trống, nhân dân đã mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng và cờ đỏ búa liềm. Số người tham gia cuộc biểu tình mỗi lúc một đông thêm, đầu đoàn đã tới Phù Xá mà cuối đoàn còn ở ga Yên Xuân, mặc cho trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng đoàn người vẫn vững vàng tiến bước trong trật tự. Khi đoàn đến Thái Lão, máy bay của thực dân Pháp từ sân bay Vinh nhào đến bắn và ném bom làm 217 người chết, 125 người bị thương. Tên những liệt sĩ vẫn còn đây, trước ảo mờ hương khói, trước niềm tưởng nhớ của thế hệ hôm nay. Ðồng chí Nguyễn Thị Tuyết nói thật khẽ như sợ phá đi không gian uy nghiêm nơi đền thờ, nhà bia ghi công Anh hùng, liệt sĩ: Bao thế hệ người dân Long Xá ghi tạc trong lòng đoạn lịch sử này, để tự hào và ghi nhớ phải luôn đoàn kết vượt khó, vươn lên, xây dựng quê hương.

Trước đây, niềm tự hào truyền thống quê hương đã kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận. Trong số đó không ít những tên tuổi đã trở thành lãnh tụ tiền bối của Ðảng như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng... Nhiều người trở thành cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong quân đội. Giờ lại có bao người con ưu tú khác ngày đêm hiến dâng sức lực, trí tuệ làm giàu cho quê hương. Ở Nghệ An có nhiều đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục truyền thống, bởi những huyền tích dường như đã bám chặt với tên đất, tên làng, với từng ngành, từng đơn vị. Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh Nguyễn Văn Bích cho biết: Hằng năm đơn vị đều có từ 15 đến 20 cuộc triển lãm chuyên đề; riêng năm 2020, Bảo tàng có thêm các tư liệu, hiện vật phục vụ cho triển lãm lưu động, có thể kể tới các bộ sưu tập về các vị lãnh đạo tiền bối của Ðảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Duy Trinh... được trưng bày cho hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Bảo tàng còn xây dựng website, fanpage về những bộ sưu tập này thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác. Ðiều này cho thấy nhu cầu tìm hiểu lịch sử, truyền thống của nhân dân rất lớn, cũng lý giải thêm cho hiện tượng về nguồn trong những dịp tỉnh có sự kiện trọng đại.

Ðộng lực xây dựng quê hương

Trên quê hương phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ Can Lộc (Hà Tĩnh) cho tới Ðô Lương, từ Nghi Lộc ngược về Thanh Chương, Anh Sơn... (Nghệ An), đô thị và nông thôn đều đổi mới. Xã "vùng sâu, vùng xa" nơi biên giới Việt - Lào là Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) cũng "thay da đổi thịt" từng ngày. Mới đây, UBND xã tổ chức hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong xây dựng kinh tế. Những điển hình này không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn biết nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ cộng đồng. Ðiều đó dường như đã trở thành truyền thống. Trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, nhân dân Hạnh Lâm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ðình Sòng, Bí thư Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thanh Chương, đã đứng lên, quật khởi ủng hộ công nhân, nông dân Vinh - Bến Thủy từ ngày 1-5-1930. Cuộc đấu tranh bị thực dân Pháp dìm trong biển máu nhưng ngọn lửa cách mạng từ Hạnh Lâm lan rộng khắp vùng. Ngày nay, Hạnh Lâm đang đổi mới làm giàu từ những sản phẩm truyền thống, đó là cây chè bản địa. Ông Phan Ðình Ðường là một điển hình tiên tiến trong xây dựng kinh tế của xã. Một năm cơ sở sản xuất của gia đình ông xuất khẩu hơn 60 tấn chè khô đi nhiều nước trên thế giới, thu hàng tỷ đồng. Ông Ðường tâm sự: Chúng tôi thường xuyên được chi bộ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng truyền thống quê hương. Ðây cũng là một điểm đặc sắc của Ðảng bộ xã Hạnh Lâm: Khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của người dân thông qua hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng. Minh họa rõ nét nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp 150 tỷ đồng, hiến đất làm đường, làm công trình văn hóa - thể thao. Năm 2018, xã đã về đích nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm Lê Thị Thủy nói: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ xã xác định khâu đột phá là nâng cao trình độ, nhận thức để hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phấn đấu xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Cách làm của xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) cũng có nhiều nét tương đồng, thông qua giáo dục truyền thống phát huy sức mạnh cộng đồng. Võ Liệt là nơi có đội "Tự vệ đỏ" trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trong những năm qua, Ðảng ủy, UBND xã đã chủ trương mời gọi con em địa phương lập nghiệp xa quê về đầu tư xây dựng quê hương. Bí thư Ðảng ủy xã Phan Chí Tâm nói: Trước hết phải khơi gợi tình làng nghĩa xóm, truyền thống quê hương; sau là cải cách hành chính xây dựng môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư. Xã chú trọng hoạt động giao ban theo tháng và quý, nhằm định kỳ lắng nghe, nắm bắt tâm tư và giải quyết vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của xã Võ Liệt tăng từ 26 triệu đồng/người/năm lên 39,1 triệu đồng/người/năm. Thành công trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở các xã Hạnh Lâm, Võ Liệt (huyện Thanh Chương), xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên) góp phần vào nhịp độ phát triển chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của Nghệ An đạt 8,47%; toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,4% tổng số xã.

TP Vinh trong những ngày này rộn rã không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh. Nhiều sự kiện kỷ niệm được tỉnh, thành phố và các huyện tổ chức. Cùng với những hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh là các hoạt động thông tin, tuyên truyền, các chương trình văn hóa, văn nghệ, triển lãm... làm rõ thêm bối cảnh, diễn biến, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Xô viết Nghệ - Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Ðảng bộ và nhân dân Nghệ An vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương Bác Hồ kính yêu sớm trở thành tỉnh khá như sinh thời Người hằng mong muốn. Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh xác định mục tiêu nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ, tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.

Theo Nhân Dân

https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/sang-mai-ngon-lua-thieng--616465/ 

  • Từ khóa

Chính phủ có chỉ đạo mới về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Khẩn trương sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ...
11:26 - 16/01/2025
86 lượt xem

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, do Bộ TT-TT tổ chức sáng 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở các nhiệm vụ...
09:12 - 16/01/2025
143 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Warsaw bắt đầu thăm chính thức Cộng hoà Ba Lan

Vào khoảng 21 giờ 20 phút đêm 15/1 theo giờ địa phương (khoảng 3 giờ 20 phút sáng 16/1 giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân...
07:42 - 16/01/2025
167 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa...
20:31 - 15/01/2025
464 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường công du 3 nước châu Âu

Chiều 15-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, thẳng tiến điểm đến đầu tiên trong chuyến công du lần này là Ba Lan.
16:17 - 15/01/2025
565 lượt xem