75 năm đã trôi qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập luôn được coi văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vang vọng mãi trong lịch sử.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2020), ngày 1/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “75 năm bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã kế thừa những giá trị truyền thống hết sức quý báu của dân tộc được thể hiện tiêu biểu trong những áng thiên cổ hùng văn như "Nam quốc sơn hà," "Đại cáo bình ngô..." đồng thời nâng lên tầm cao mới.
Bản Tuyên ngôn Độc lập có chỉ hơn 1.000 từ nhưng chứa đựng nhiều nội dung có giá trị hết sức sâu sắc và mang ý nghĩa lâu dài, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà cả với nhân loại tiến bộ.
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo đanh thép chế độ thống trị thống trị tàn bạo và phản động của thực dân Pháp và phátxít Nhật ở Việt Nam. Đó là những hành động trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa của những cuộc Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Tuyên ngôn Độc lập-văn kiện mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược và biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa.
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống của nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ, lầm than. Không cam chịu ách thống trị ngoại bang, nhiều phong trào đấu tranh yêu nước đã diễn ra sôi nổi, nhưng đều bị chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp đẫm máu.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Người soạn thảo, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Các tham luận và báo cáo đều thống nhất Tuyên ngôn Độc lập của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo là sự khẳng định thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Đó là trang sử chói lọi đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại, Tuyên ngôn Độc lập đã tiếp cận quyền dân tộc từ quyền con người, thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Trên cơ sở khẳng định quyền tự nhiên, cơ bản của con người, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định các dân tộc có quyền được hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc, đây là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc.
Đồng tình với quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Đình Phong (Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Tuyên ngôn Độc lập là một bản tổng kết giá trị cao quý về quyền con người, quyền của các dân tộc trên thế giới.
Theo Hồ Chí Minh, đó là quyền thiêng liêng, cao cả của con người nhưng quyền con người phải nằm trong quyền dân tộc và không tách rời quyền dân tộc. Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc phải được công nhận trên cơ sở tôn trọng các giá trị và nguyên tắc tiến bộ của nhân loại.
Các đại biểu khẳng định, Bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo ngọn cờ cứu nước của Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước, xây dựng nền dân chủ cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh và thể hiện sự tập trung sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh.
75 năm đã trôi qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập luôn được coi văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vẫn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại.../.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ban-tuyen-ngon-doc-lap-khang-dinh-quyen-tu-do-binh-dang-cua-dan-toc/660592.vnp