205
/
94912
25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam bước qua những rào cản
25-nam-gia-nhap-asean-viet-nam-buoc-qua-nhung-rao-can
news

25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam bước qua những rào cản

Chủ nhật, 26/07/2020 | 07:56:16
621 lượt xem

VOV.VN - 25 năm trước (28/7/1995), Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN sau rất nhiều nỗ lực vượt qua những rào cản tưởng chừng “không thể vượt qua”.

LTS: Chiều 28/7/1995, Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN đã được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Brunei. Đây là thời khắc mang tính lịch sử đối với Việt Nam, một dấu mốc rất đáng ghi nhớ trong những bước đi đầu tiên của Việt Nam trong việc mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để có được những kết quả tích cực và hết sức đáng tự hào ngày hôm nay khi Việt Nam trong năm 2020 được ASEAN và cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó đảm nhiệm vai trò kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhân dịp này VOV.VN trân trọng giới thiệu 2 phần bài viết “25 năm Việt Nam ra nhập ASEAN: Từ “kẻ ngoài cuộc” đến “người chủ động dẫn dắt” – nhằm điểm lại toàn bộ quá trình từ trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN đến khi trở thành thành viên tích cực, đóng vai trò dẫn dắt hướng ASEAN đến việc hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong tương lai:


Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với các thành viên đầu tiên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mãi gần 30 năm sau, Việt Nam mới được chấp thuận trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Đây được coi là một “dấu ấn ngoại giao quan trọng” của Việt Nam tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập tích cực và sâu rộng hơn vào các cơ chế đa phương và các diễn đàn quốc tế sau này.

Đánh giá về quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Lúc bấy giờ, nắm bắt được sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa gắn với khu vực hóa, ta đã có một quyết sách đúng đắn và kịp thời là gia nhập ASEAN. Gia nhập ASEAN, chúng ta đáp ứng lời tuyên bố của các nhà sáng lập ra Hiệp hội tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”.

Dù vậy, chặng đường gia nhập ASEAN của Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. Trở ngại lớn nhất của Việt Nam khi quyết định gia nhập ASEAN chính là sự nghi kỵ từ chính các thành viên nội khối khi vào thời điểm đó, Việt Nam đang chịu sự bao vây cấm vận của Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1975-1994, trong khi đa số các thành viên ASEAN – nhất là các thành viên đầu tiên – lại là những đồng minh lâu đời và thân cận của Hoa Kỳ như Philippines, Singapore và Thái Lan.

Phải mất nhiều năm trời, nhờ thiện chí thúc đẩy đối thoại tiến đến bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ của cả phía Việt Nam và nhiều chính trị gia và nghị sĩ có tiếng nói quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ như John Kerry, John McCain, Bob Kerrey, Chuck Robb, Pete Peterson… mãi đến ngày 12/7/1995, hai nước mới chính thức tuyên bố bình thường hoá quan hệ.

Có thể nói, cùng với những nỗ lực xoá bỏ sự nghi kỵ từ các thành viên ASEAN, việc đạt được bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam “mở toang cánh cửa” gia nhập “đại gia đình” ASEAN bởi chỉ có đạt được điều này, Việt Nam mới có thể thuyết phục hoàn toàn được các quốc gia có quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ chấp thuận cho Việt Nam gia nhập ASEAN dù giữa hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt cần vượt qua.

Hồi tưởng về thời khắc trọng đại ngày 28/7/1995 tại Brunei khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan nhớ lại: “Trong giờ phút đầy xúc động ấy, tôi chợt nghĩ: như vậy là đã hết rồi cái thời nghi kỵ, thù nghịch giữa các nước trong khu vực với nước ta; đã chấm dứt cái cảnh tan đàn xẻ nghé, nhiều khi do tác động từ bên ngoài; từ nay bảy nước thành viên cùng trên một con thuyền, biển lặng hay biển động đều cùng nhau chèo chống”.

Cũng theo ông Vũ Khoan, đã có thời, một số nước Ðông Nam Á đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh Việt Nam và sau đó là cuộc bao vây cô lập Việt Nam chỉ vì Việt Nam không tiếc xương máu cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Quyết định kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội, dường như các nước thành viên đều ngộ ra rằng, chỉ có thống nhất khu vực, tay trong tay hợp tác mới có sức mạnh, chia năm xẻ bảy tất bị suy yếu.


Ngay khi gia nhập ASEAN, một trong những đóng góp đầu tiên – cũng rất quan trọng của Việt Nam – chính là nỗ lực thúc đẩy việc kết nạp các thành viên còn lại là Lào, Myanmar và Campuchia, hình thành nên ASEAN-10. Đây cũng là mục tiêu mà ASEAN đã hướng đến từ lâu là xây dựng một khối ASEAN thống nhất, quy tụ tất cả 10 nước ở khu vực Đông Nam Á.

ASEAN với đầy đủ 10 thành viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vào thời điểm đó, nhất là trong bối cảnh, các nước ASEAN đang rất mong muốn mở ra một thời kỳ mới với những thay đổi đặc biệt về chất trong quan hệ nội khối, chấm dứt hàng thập kỷ xung đột và đối đầu, gỡ bỏ rào cản ngăn cách các nhóm nhỏ trong khối, cùng nhau đoàn kết, gắn bó dưới một mái nhà chung, hợp tác xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Năm 1998, tức chỉ 3 năm sau khi chính thức trở thành thành viên ASEAN, cũng đúng vào thời điểm cực kỳ khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã nhận đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội trước sự lo ngại về khả năng tổ chức của các quốc gia nội khối và bạn bè quốc tế về năng lực tổ chức của nước chủ nhà.

Dù điều kiện vật chất, hạ tầng cơ sở khi đó còn khó khăn, kinh nghiệm tham gia ASEAN chưa nhiều, trình độ và năng lực cán bộ còn hạn chế, Việt Nam vẫn nỗ lực hoàn thành xuất sắc, tổ chức tốt và thành công hội nghị. Chương trình Hành động Hà Nội - một đóng góp quan trọng của Việt nam - đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội trong 6 năm sau đó để thực hiện Tầm nhìn 2020. Hội nghị cũng đã đạt được quyết định sẽ kết nạp Campuchia trở thành thành viên thứ 10 của Hiệp hội vào tháng 4/1999, hoàn thành ý tưởng ASEAN -10.

Thành công bước đầu đó đã giúp tạo dựng uy tín và vị thế của Việt Nam tại ASEAN, cũng như làm thay đổi căn bản cái nhìn của các quốc gia ASEAN đối với Việt Nam chỉ vài năm trước đó. Vai trò, vị thế của Việt Nam tại ASEAN vì thế cũng đã thay đổi đáng kể. Việt Nam cũng đã nỗ lực không ngừng để đóng góp vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN.

Đánh giá về sự chuyển mình nhanh chóng của Việt Nam trong ASEAN để trở thành thành viên tích cực, chủ động trong khối, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN (Quan chức cấp cao ASEAN), cho rằng: “Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tham gia chủ yếu để lắng nghe, tìm hiểu, học hỏi, Việt Nam đã chủ động hơn, tham gia tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn trong các công việc chung của Hiệp hội. Trong đó, việc đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001, Chủ tịch ASEAN 2010 và Chủ tịch ASEAN 2020 là những dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN.

Từ một vài nội dung hợp tác ban đầu, nay các Bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia rộng rãi và có đóng góp tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó Việt Nam đã giữ được vai trò dẫn dắt, đi đầu ở một số nội dung, nhất là thúc đẩy duy trì đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng là chỗ dựa tinh thần quan trọng của nhiều nước thành viên trong ASEAN. Tiếng nói và lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề được các nước ủng hộ và coi trọng. Việt Nam đã góp một phần không nhỏ nâng cao vị thế và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực”./.

Đón đọc: “25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam từ vai trò Chủ tịch đến dẫn dắt tương lai”

Theo Trần Khánh/VOV.VN 

Thiết kế: Hà Phương; Trình bày: Đoan Đoan

https://vov.vn/chinh-tri/25-nam-gia-nhap-asean-viet-nam-buoc-qua-nhung-rao-can-1074646.vov

  • Từ khóa

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa...
20:31 - 15/01/2025
115 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường công du 3 nước châu Âu

Chiều 15-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, thẳng tiến điểm đến đầu tiên trong chuyến công du lần này là Ba Lan.
16:17 - 15/01/2025
223 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mishustin cùng thưởng thức âm nhạc Việt - Nga

Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Mikhail Mishustin, sáng 15/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng...
15:55 - 15/01/2025
232 lượt xem

Thủ tướng Việt - Nga: Cam kết tháo gỡ rào cản, thúc đẩy 3 lĩnh vực hợp tác quan trọng

Sáng 15-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Liên bang...
13:55 - 15/01/2025
266 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Sáng 15-1, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
12:10 - 15/01/2025
311 lượt xem