Thực hiện lời căn dặn người làm công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh "óc nghĩ, mắt trong, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", trong những năm gần đây, công tác dân vận chính quyền được triển khai gắn liền với nhiệm vụ, chức năng hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
"Trọng dân, gần dân"
Là một trong những đơn vị chủ chốt của Chính phủ thực hiện công tác dân vận chính quyền, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ tập trung thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân với phương châm "trọng dân, gần dân" trên cơ sở mục tiêu xây dựng Chính phủ "liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân".
Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 165.000 lượt công dân với hơn 134.200 vụ việc; có hơn 1.6000 đoàn đông người, giảm số lượt người, số đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xử lý hơn 80.300 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số hơn 141.000 đơn đã tiếp nhận. Gần 10.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã được giải quyết. Thông quan công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 13 tỷ đồng, 76 ha đất; trả lại quyền lợi cho hơn 500 người; kiến nghị xử lý hành chính 169 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội trong các dịp lễ, tết, các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với cùng kỳ 2019. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội Việt Nam đang phục hồi và phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đặc biệt, lĩnh vực an sinh xã hội, chính sách đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được kết quả quan trọng, góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Kết quả triển khai 6 nội dung công tác dân vận chính quyền được Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự đảng Chính phủ đề ra "Năm dân vận chính quyền" 2018 và 2019; "Năm dân vận khéo" 2020 đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động tổ chức thực hiện, đưa ra nhiều giải pháp, mô hình "Dân vận khéo" để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được tăng cường. Công tác cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quán triệt thực hiện trong cả hệ thống chính trị và đạt kết quả tốt; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ đạt kết quả thiết thực.
"Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền góp phần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong thời gian tới, công tác dân vận, dân chủ luôn gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và triển khai cuộc vận động, phong trào do Trung ương phát động", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Phương pháp dân vận phù hợp, tránh hình thức
Phát huy tinh thần "lấy dân làm gốc" trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, trong thời đại Hồ Chí Minh, "lấy dân làm gốc" trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Đảng, chính quyền, các cấp cán bộ bởi "gốc có vững cây mới bền", "việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh". Vì vậy mục tiêu, phương hướng, đối tượng của công tác dân vận chính quyền chính là người dân.
Liên quan đến xây dựng chính quyền kiến tạo, dân vận kiến tạo, Phó Thủ tướng khẳng định: "Một Chính phủ mạnh, một nền công vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải luôn sáng tạo, lấy cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ người dân. Xây dựng chính quyền kiến tạo kết hợp công tác dân vận chính quyền kiến tạo hướng đến phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước".
Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo gắn với công tác dân vận chính quyền và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu đặc điểm, chức năng của cơ quan, đơn vị để có phương pháp dân vận hiệu quả, phù hợp, tránh hình thức. Người làm công tác dân vận không chỉ là người chuyên trách, cần huy động đông đảo lực lượng cùng tham gia.
"Cần làm công tác tư tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức hiểu rõ trách nhiệm, có ý thức trong công tác dân vận, coi đó là trách nhiệm công vụ của mỗi người. Qua đó, người làm công tác dân vận phát huy hết khả năng, năng lực bản thân, cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng, công tác dân vận chính quyền cần gắn với chức năng, hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nên cần xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Đồng thời, công tác dân vận chính quyền phải đảm bảo thực hành dân chủ rộng rãi trong hoạt động các cơ quan; thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hành dân chủ trong xã hội. Phó Thủ tướng tin tưởng: "Dân chủ góp phần phát huy lòng hăng hái, nảy nở nhiều sáng kiến, thúc đẩy sự sáng tạo, vượt khó. Dân tin tưởng, giúp đỡ, ủng hộ, bảo vệ, yêu mến, mọi khó khăn đều vượt qua".
Quyết tâm đổi mới công tác dân vận chính quyền
Công tác dân vận chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm trong việc đổi mới công tác dân vận của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đánh giá cao vai trò của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ trong thực hiện công tác dân vận chính quyền, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định sự nỗ lực tạo nên sự chuyển biến chung trong quá trình triển khai công tác. Công tác dân vận chính quyền gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
"Mỗi người, mỗi cơ quan chức năng phải nỗ lực hết sức, hết lòng thực hiện nhiệm vụ được giao; phải có thái độ ân cần, chân thành khi giải quyết công việc của nhân dân. Cố gắng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đề xuất chính sách tốt để người dân được thụ hưởng. Đó chính là dân vận chính quyền", Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, từ thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chăm lo cho sự an toàn, ổn định cuộc sống của nhân dân. "Đây là dân vận chính quyền tốt nhất trong 6 tháng đầu năm, tạo niềm tin của nhân dân vào công tác điều hành của Đảng, Nhà nước; đồng thời chứng minh hiệu quả, tính chất xuyên suốt của hệ thống chính trị Việt Nam", Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ.
Trong thời gian qua, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính thức có hiệu lực. Điều 6 của Luật nêu rõ việc bổ sung Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội có quyền, được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: "Sự thay đổi về nhận thức, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, Chính phủ nhằm tăng cường tiếng nói của nhân dân trong quá trình quyết định chính sách".
Qua chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước; tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, hình ảnh của cán bộ, công chức trên tất cả các lĩnh vực đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của người dân.
Trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước các cấp phát huy quyền làm chủ của nhân dân để mỗi người dân có cơ hội tham gia, quyết định, thực thi chính sách, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến vấn đề lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; tạo sự đồng thuận trong nhân dân; lan tỏa những mô hình hay, điển hình khéo về dân vận chính quyền.
Theo Diệp Trương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/dan-van-chinh-quyen-gop-phan-bao-dam-quyen-va-loi-ich-chinh-dang-cua-nhan-dan-20200718074455578.htm