Trong bối cảnh CPTPP đã đi vào thực thi, cơ hội đối với các doanh nghiệp Canada tại thị trường Việt Nam trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không, công nghệ thông tin-viễn thông, tới nông sản...
Đại sứ Phạm Cao Phong trình Thư ủy nhiệm lên Toàn quyền Julie Payette theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN/phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 16/7, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã thực hiện nghi thức trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Toàn quyền Canada Julie Payette.
Do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Canada, nghi thức lễ tân được điều chỉnh sang hình thức trực tuyến nhưng vẫn diễn ra trong không khí vô cùng trang trọng.
Toàn quyền Julie Payette bày tỏ vui mừng nhận được Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ấn tượng với quá trình công tác của Đại sứ Phạm Cao Phong và chúc Đại sứ đạt được nhiều thành công trong nhiệm kỳ này, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Canada.
Toàn quyền Julie Payette xúc động nhắc lại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nhân dịp Thủ tướng thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2018) và gửi lời thăm hỏi tới Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và năm 2017, hai nước nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Trong thời gian qua, tuy có dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì đà phát triển của mối quan hệ này.
Các cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagne; giữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh với Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu và Doanh nghiệp nhỏ Mary Ng; giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Canada Jody Thomas; giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Canada Marta Morgan.
Đại sứ Phạm Cao Phong và Toàn quyền Julie Payette. (Ảnh: TTXVN/phát)
Một sự kiện đáng chú ý là ngày 9/7 vừa qua, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Canada Marta Morgan đồng chủ trì Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Canada lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, nhất trí về những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2019 đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2018.
Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực thi, cơ hội đối với các doanh nghiệp Canada tại thị trường Việt Nam trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không, công nghệ thông tin-viễn thông, tới nông sản, khoáng sản...
Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm (GDP) trên 7% trong hai năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam được nhiều học giả và giới doanh nghiệp Canada đánh giá là một điểm sáng tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, những thế mạnh của Canada trong lĩnh vực công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng đường bộ, năng lượng tái tạo... cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao.
CPTPP được giới quan sát dự báo sẽ là động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Canada phát triển hơn nữa.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Canada trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch... cũng không ngừng phát triển.
Hiện nay, cộng đồng hơn 250.000 người Việt tại Canada cũng đang đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước./.
Theo TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-va-canada-tang-cuong-quan-he-tren-nhieu-linh-vuc/652172.vnp