Quốc hội Việt Nam quyết nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU cùng các nước thành viên, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (Hiệp định) được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.
Quốc hội quyết nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định này; ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định để thực hiện các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả, theo đúng lộ trình các cam kết trong Hiệp định.
[Việt Nam sẵn sàng cho việc triển khai các hiệp định EVFTA, EVIPA]
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định;
Chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn;
Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam./.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-ban-hanh-nghi-quyet-phe-chuan-hiep-dinh-evipa/649271.vnp