205
/
93314
'Làn sóng Covid-19 thứ hai rất đáng lo ngại'
lan-song-covid-19-thu-hai-rat-dang-lo-ngai
news

'Làn sóng Covid-19 thứ hai rất đáng lo ngại'

Chủ nhật, 21/06/2020 | 08:58:15
330 lượt xem

Làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát ở Trung Quốc thời gian qua là bài học rất lớn cho Việt Nam, theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu.

Phát biểu tại Quốc hội ngày 15/6 về vấn đề "đã đến lúc Việt Nam nên công bố hết dịch Covid-19 trong nước hay chưa?", PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu quan điểm "cần rất thận trọng bởi làn sóng dịch lần thứ hai vẫn đang treo lơ lửng ở nhiều quốc gia, Trung Quốc đang có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại ở một số nơi".

Trả lời phỏng vấn VnExpress, ông Nguyễn Lân Hiếu nêu nhiều đề xuất về chiến lược chống dịch của Việt Nam thời gian tới. 

- Ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ làn sóng thứ hai dịch Covid-19 đối với Việt Nam?

- Thời gian qua, Việt Nam đã chống dịch Covid-19 rất thành công, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tình hình dịch bệnh trong nước hiện rất ổn định, đã hơn hai tháng không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới ngoài cộng đồng. Các ca nhiễm qua đường nhập cảnh đều được cách ly ngay. Cuộc sống của người dân gần như đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trên thế giới, tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp. Covid-19 ở châu Âu có vẻ "giảm nhiệt", nhưng ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ vẫn "nóng". Ở châu Á, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian gần đây đều có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Vì vậy, chưa thể nói khi nào dịch Covid-19 sẽ kết thúc và diễn biến tiếp theo ra sao.

Tôi nghĩ làn sóng Covid-19 thứ hai là rất đáng lo ngại. Trung Quốc ở cạnh chúng ta là bài học lớn nhất, bởi cũng gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng như Việt Nam, nhưng đến khi bùng phát trở lại thì rất dữ dội. Do đó, chúng ta không thể nói người Việt Nam đã miễn nhiễm được với Covid-19, để chủ quan. Bởi nếu có một ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể sẽ thay đổi hoàn toàn trạng thái bình thường mới của đất nước hiện nay.

Chính phủ đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh cũng như chữa trị các ca nhiễm, với tỉ lệ chữa khỏi rất cao, chưa có người tử vong. Vậy nên Việt Nam phải giữ cho được thành quả này, không nên nơi lỏng. Bởi nếu chủ quan, để làn sóng thứ hai của dịch tràn đến thì mọi người sẽ cảm thấy rất tiếc công sức, nỗ lực của cả đất nước ròng rã mấy tháng qua.

- Dù không được chủ quan, nhưng sau hai tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng thì Việt Nam đã nên công bố hết dịch hay chưa?

- Tôi nghĩ rằng có công bố hết Covid-19 hay không thì điều đó cũng chỉ là sự tuyên bố. Điều quan trọng nhất là bản chất của sự việc. Nếu nhà chức trách công bố hết dịch trên toàn quốc, nhưng không may sau đó lại xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng thì việc công bố ấy có ý nghĩa và hiệu quả gì hay không?

Dù chưa công bố hết dịch, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị và làm tất cả biện pháp để dần mở cửa trở lại với thế giới, đón nhận khách nước ngoài đến du lịch, cho nhà đầu tư quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng với việc công bố hết dịch thì các nhà đầu tư sẽ hào hứng đến với Việt Nam hơn trong giai đoạn này. Bởi điều quan trọng nhất là thực chất xã hội có an toàn hay không, nên cần có những minh chứng về một Việt Nam an toàn. 

Khi dịch bệnh mới xảy ra, dù Thủ tướng chưa công bố dịch trên toàn quốc, nhưng Chính phủ đã đưa ra cảnh báo và thực hiện nhiều biện pháp chống dịch cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước. Đây là một trong những nguyên nhân làm nên thành công của Việt Nam.

Vì vậy, việc công bố hết dịch cũng cần dựa vào những tiêu chuẩn, khuyến cáo cao hơn một mức so với quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và của các tổ chức quốc tế. Khi đó thì việc công bố hết dịch sẽ khiến nhà đầu tư, khách du lịch và những người muốn nhập cảnh Việt Nam sẽ cảm nhận được đất nước chúng ta đang thực sự an toàn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh:Giang Huy

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

- Còn việc xúc tiến mở lại các đường bay quốc tế thì sao, thưa ông?

- Việt Nam chỉ nên chọn địa điểm để mở lại đường bay thương mại quốc tế là các nước, vùng lãnh thổ, khu vực đã công bố hết dịch hoặc dịch bệnh đã suy giảm. Đương nhiên các nước này cũng phải chấp thuận cho phép Việt Nam mở lại đường bay đến đó.

Điều quan trọng hơn là Việt Nam phải xây dựng quy trình xuất cảnh, nhập cảnh, xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho những người liên quan, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Chỉ khi xây dựng được quy trình đảm bảo an toàn thì mới nên cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

- Quy trình xuất cảnh nhập cảnh nên thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn?

- Theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục xét nghiệm với những người muốn nhập cảnh. Nhà chức trách phối hợp với các nước mở đường bay quốc tế, yêu cầu những người muốn nhập cảnh Việt Nam, khi mua vé thì đồng thời phải làm xét nghiệm kháng thể. Những người này có thể đến bệnh viện hoặc các phòng vé nước sở tại để làm xét nghiệm và lấy kết quả. Nếu ai có kháng thể và không có triệu chứng nhiễm bệnh thì có thể cho phép vào trong nước.  

Khi nhập cảnh Việt Nam, nhà chức trách cần làm xét nghiệm lần nữa để khẳng định âm tính thì mới cho nhập cảnh.

Không nên quá yên tâm với các nước đã công bố hết dịch để cho phép nhập cảnh ồ ạt, vì dễ xảy ra lây nhiễm cộng đồng, mất kiểm soát. Khi đó, rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với những ổ dịch mà không truy vết được nguồn lây (F0).

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã từng tham gia lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại sân bay Nội Bài và thấy quá trình này được thực hiện rất tốt, kết quả được trả trong một ngày. Vậy nên, nhà chức trách có thể yêu cầu những người nhập cảnh cách ly tại khu vực gần đó một vài ngày, cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Nếu âm tính thì có thể cho đi lại làm việc, thay vì phải cách ly 14 ngày như hiện nay.

- Phát biểu tại Quốc hội ngày 15/6, ông đề xuất làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam. Ông có thể giải thích rõ thêm?

- Đây là xét nghiệm đánh giá kháng thể đã tồn tại trong cộng đồng hay còn gọi là xét nghiệm đánh giá miễn dịch cộng đồng. Bởi trong cơ thể con người khi gặp tác nhân virus thì sẽ sinh ra kháng thể để chống lại.

Sự tồn tại kháng thể chứng minh là người đó đã tiếp xúc với virus và khả năng lây bệnh sẽ rất thấp. Việc này rất quan trọng ở chỗ nó chứng minh những khu vực có miễn dịch cộng đồng. Khi có tỉ lệ nhất định miễn dịch cộng đồng thì giả sử làn sóng Covid-19 thứ hai xâm nhập vào Việt Nam, cũng sẽ không bùng phát mạnh mẽ như các nước khác.

Tôi nghĩ chắn chắn nhiều khu vực đã có kháng thể miễn dịch cộng đồng với số lượng nhất định. Tuy nhiên, cần phải làm xét nghiệm nghiên cứu ở những ổ dịch trước đây, như bệnh viện Bạch Mai, Vĩnh Phúc, Hạ Lôi... để xem xét tỉ lệ là bao nhiêu. Đây là điều các nhà khoa học rất quan tâm.

Thời gian qua, các biện pháp chống dịch của Việt Nam đã phát huy hiệu quả rất tốt. Nhà chức trách cần tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp phòng dịch đã được Bộ Y tế ban hành như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn, vệ sinh cá nhân...

Ngành y có câu nói đơn giản, nếu khi chữa bệnh, đã dùng phương pháp, thuốc tốt nhất mà bệnh vẫn không tiến triển tốt thì phải xem lại phương pháp điều trị; còn nếu điều trị bằng phương pháp nào khác, dù với thuốc rẻ tiền, nhưng bệnh tốt lên thì đừng thay đổi phương pháp điều trị. Vì vậy, Việt Nam nên tiếp tục phương pháp chống dịch đã và đang phát huy hiệu quả.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, điều kiện để công bố hết dịch bao gồm: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch (theo quy định của Thủ tướng).

Covid-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao), thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày; thời gian không phát hiện ca nhiễm mới là 28 ngày (tính từ ngày người mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Các cơ quan, người dân... đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan chức năng.


Theo Viết Tuân/VnExpress

https://vnexpress.net/lan-song-covid-19-thu-hai-rat-dang-lo-ngai-4118548.html

  • Từ khóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường công du 3 nước châu Âu

Chiều 15-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, thẳng tiến điểm đến đầu tiên trong chuyến công du lần này là Ba Lan.
16:17 - 15/01/2025
18 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mishustin cùng thưởng thức âm nhạc Việt - Nga

Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Mikhail Mishustin, sáng 15/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng...
15:55 - 15/01/2025
27 lượt xem

Thủ tướng Việt - Nga: Cam kết tháo gỡ rào cản, thúc đẩy 3 lĩnh vực hợp tác quan trọng

Sáng 15-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Liên bang...
13:55 - 15/01/2025
72 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Sáng 15-1, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
12:10 - 15/01/2025
116 lượt xem

Đẩy mạnh quan hệ song phương Việt - Nga

Rạng sáng 14.1, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức VN từ ngày 14 - 15.1, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh...
08:22 - 15/01/2025
211 lượt xem