Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh không phải vì đại hội mà chùng lại không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ngày 15/1/2020, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động năm 2019; thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.
Tham nhũng được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm
Nhìn lại năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Mặc dù còn hạn chế, tồn tại, nhưng cơ bản công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đà của năm 2018, đồng thời có một số kết quả nổi bật hơn. Tâm trạng một bộ phận lo rằng công tác phòng chống tham nhũng bị dừng, nghỉ, không tiếp tục làm… nhưng đã không xảy ra trong 2019, có những mặt làm tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, như việc điều tra, xét xử tội hối lộ, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để hơn, công tác xét xử tại các phiên tòa công khai, minh bạch… khiến các bị cáo tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình."
Nổi bật là Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng.”
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 chỉ thị, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 80 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành 63 luật, pháp lệnh, 66 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 611 nghị định, 532 nghị quyết, 197 quyết định, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bước đột phá mới
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 420 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 03 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và hơn 20 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 05 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và trên 897 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung hoàn thành thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Cụ thể là: Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; việc cấp phép và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty VN Pharma…
Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn.
Năm 2019, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 67 vụ án, 55 vụ việc, trong đó khởi tố mới và phục hồi điều tra 19 vụ án; đã kết thúc điều tra 22 vụ án/132 bị can; đã truy tố 21 vụ án/108 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Đó là: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tổng Công ty CP Dịch vụ thăm dò Dầu khí (PVEP); Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng; Vụ án “Giả mạo trong công tác; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Tổng công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 107 vụ án, 90 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 53 vụ/550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ/412 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế
Các ý kiến thống nhất cho rằng, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khâu, lĩnh vực còn yếu, có khó khăn, vướng mắc, như chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giám định, định giá tài sản, giải mật, cung cấp hồ sơ, tài liệu; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng).
Công tác chỉ đạo tập trung chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt); tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương; góp phần khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng. Trong năm 2019, 16 đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại 41 bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách.
Nhiều ý kiến ghi nhận, đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng có nhiều đổi mới. Các cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, định hướng cung cấp, công khai kết quả và những vấn đề dư luận quan tâm trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí.
Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng với nhiều bài viết, chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phân tích chuyên sâu về phòng chống tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các ý kiến nhất trí cho rằng, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, sâu sát, quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, quyết tâm cao.
Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo. Phát huy tốt cơ chế hội ý, giao ban hàng tuần, hàng tháng của 3 đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo được phân công chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án và của các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo 110 để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất chủ trương, đường lối xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các cấp ủy, tổ chức đảng được phân công theo dõi, phụ trách. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác; chuẩn bị chu đáo nội dung, phục vụ tốt các phiên họp của Ban Chỉ đạo và các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phân tích nguyên nhân đạt được những kết quả như trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ muốn làm được trước hết phải có quyết tâm cao từ trên xuống dưới, từ cơ quan tổng hợp, cơ quan chức năng, các ngành, các cấp và có sự chỉ đạo tập trung thống nhất; phương pháp tiến hành hợp lý bài bản, rõ đến đâu làm đến đâu, có lý có tình, lấy giáo dục để răn đe. Đau xót nhưng vẫn phải làm, xử một người để cứu muôn người.
Đồng thời, có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các cơ quan chức năng, các khâu công tác; có đội ngũ thật sự bản lĩnh, liêm chính, vững vàng, có kiến thức, giỏi chuyên môn; thực hiện phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, báo chí vào cuộc tích cực, ngày càng sáng tạo… Tất cả cùng vào cuộc, bởi vậy một cá nhân nào không muốn làm cũng không thể không làm. Mục đích là để giáo dục răn đe, cảnh báo để đừng xảy ra, chứ xảy ra rồi mới chữa cháy.
Không phải vì đại hội mà chùng lại
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý, năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, không phải vì đại hội mà chùng lại không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội. Đương nhiên làm phải có phương pháp, việc nào ra việc nấy, hỗ trợ lẫn nhau. Chống tham nhũng tốt, công tác nhân sự tốt, đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đà của năm 2019, không dừng, không nghỉ, với quyết tâm cao hơn, chặt chẽ, hiệu quả hơn, với quan điểm lịch sử, biện chứng, khoa học, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, không vin vào hoàn cảnh, không phiến diện, mà phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết…
Trọng tâm là tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chỉ đạo rà soát, tổng hợp những kiến nghị sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách, pháp luật của các Đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, định hướng lớn về phòng chống tham nhũng trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ; rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thanh tra, kiểm toán đối với các dự án gây thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án nghiêm trọng
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt. Trong năm 2020, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nhất là tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cụ thể là: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi Nhánh Hà Tĩnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng;
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ; Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng;
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank);” Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.)
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn ở địa phương, cơ sở
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc làm dở; những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc “tham nhũng vặt”.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển,” làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng,” “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ban Chỉ đạo nhất trí tiến hành tổng kết công tác phòng chống tham nhũng cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay; tổng kết Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị; quan tâm chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 6 vụ án, 3 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được giải quyết theo quy định của pháp luật./.
Theo Nguyễn Sự (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-khong-vi-dai-hoi-ma-chung-lai/618628.vnp