205
/
85059
Thủ tướng gợi ý thay đổi tên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
thu-tuong-goi-y-thay-doi-ten-cua-bo-ke-hoach-va-dau-tu
news

Thủ tướng gợi ý thay đổi tên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ 6, 10/01/2020 | 08:15:08
558 lượt xem

Thủ tướng gợi ý hai tên để thảo luận là Ủy ban Cải cách đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển.

Chiều 9/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn-Giải phóng nguồn lực- Hành động hiệu quả”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, do đó Bộ phải đi xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đề bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

thu tuong goi y thay doi ten cua bo ke hoach va dau tu  hinh 1

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KHĐT đóng vai trò như nhà toán học, phải đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đề bài khó về phát triển đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, Bộ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao, như dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; dự thảo Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019; đề xuất Kịch bản tăng trưởng năm, các báo cáo vĩ mô hàng quý và hàng tháng để Thủ tướng và Chính phủ có các quyết sách kịp thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định vĩ mô. Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật đầu tư công (sửa đổi), ngay từ năm ngoái, công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 100%. Như vậy, đến nay, Bộ cơ bản giải quyết được vấn đề giao vốn chậm, giao nhiều lần như trước đây. 

Năm qua, Bộ cũng đã ưu tiên đẩy mạnh xây dựng các thể chế pháp luật để góp phần có thêm 138.000 doanh nghiệp mới, đưa số doanh nghiệp cả nước lên gần 800.000. Năm qua cũng có trên 2.000 hợp tác xã được thành lập mới, đưa tổng số hợp tác trong cả nước lên trên 24.000.

Năm 2019 đánh dấu môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ USD đã được giải ngân.

Gấp rút ban hành sách trắng về doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, nêu nhiều thành tựu quan trọng của đất nước trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngành kế hoạch và đầu tư đã có nhiều đóng góp quan trọng với tư duy đổi mới, sáng tạo, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần tích cực hành động của Chính phủ được Bộ thực hiện và lan tỏa tốt, nhất là ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội (2021-2030), Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua, tạo bước đột phá trong thực hiện đầu tư công. 

Song, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại ngành cần tháo gỡ, trong đó còn có vướng mắc về thể chế vốn đầu tư công, khiến việc tổ chức thực hiện, giải ngân vốn còn thấp. Cụ thể như việc xây dựng kế hoạch đầu tư công còn bất cập, giao vốn nhiều lần khiến thời gian giao vốn kéo dài. Công tác quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập, có dấu hiệu tham nhũng, thông đồng, đấu thầu kém công khai, hủy thầu vô căn cứ ở một số bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... chưa theo kịp yêu cầu thực tế và triển khai còn chậm. 

Công tác triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính. Nêu một số bất cập về doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ và Tổng cục Thống kê gấp rút ban hành Sách trắng về doanh nghiệp ngay trong quý 1 năm nay.

“Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đồng chí đã cải cách cái này một phần rồi, nhưng các Sở Kế hoạch Đầu tư, các vụ tài chính ở các Bộ, cơ chế xin – cho, phân bổ vốn thanh toán cứ lai rai suốt. Tôi biết việc xin-cho ở một số Cục, Vụ khiến các địa phương, doanh nghiệp kêu ca. Khen thưởng cũng nhiều, nhưng cũng phải nêu ra cũng nhiều tồn tại để các đồng chí sửa, để có sự thông thoáng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với năm 2020, Thủ tướng tán thành với Bộ về chủ đề hoạt động của năm 2020 là: “Khơi thông nguồn lực- Giải phóng nguồn lực- Hành động hiệu quả” và nêu một số nhiệm vụ chiến lược đối với Bộ.

“Tôi đã nhiều lần phát biểu khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 là một thực tế, không phải là một tinh thần viển vông. Không ai khác hơn mà chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực. Các địa phương, bộ, ngành hưởng ứng khát vọng Việt Nam hùng cường đưa vào cuộc sống. Trong bối cảnh những ngày gần đây, thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, khó lường, nhưng đây cũng là cơ hội bởi Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Và chúng ta phải giữ cho được ổn định chính trị xã hội”.

“Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút các dòng vốn đầu tư có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Các đồng chí thu hút FDI, kể cả các Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công thương, Nông nghiệp....các đồng chí phải thu hút mạnh mẽ những tập đoàn công nghệ lớn, các tập đoàn công nghệ mới vào Việt Nam; những tiến bộ công nghệ mới vào Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Trước cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển có thể theo kịp các nước giàu, nhưng đi kèm theo nhiều thách thức, Thủ tướng đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó Việt Nam đang có những lợi thế trong cuộc đua về kinh tế số, nên cần khuyến nghị chính sách để các địa phương coi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số là nền tảng và động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.  

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ tháo gỡ một số nút thắt ngay trong năm 2020, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai minh bạch, giao quyền nhiều hơn Chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng. Bộ chỉ làm công tác tổng hợp, chính sách pháp luật, kiểm tra, đôn đốc những chủ trương lớn đã đề ra.

Trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam còn rất lớn nếu để xảy ra tham nhũng lợi ích nhóm, ban hành chính sách sai, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tham mưu để tháo gỡ các vấn đề này.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ tham mưu khắc phục một số nút thắt khác như các vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên, có thể gây kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội; vấn đề chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vấn đề già hóa dân số...

Để thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tạo thuận lợi hơn nữa để có doanh nghiệp mới, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp lớn với thương hiệu lớn có sức cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vượt con số 38 tỷ USD của năm 2019.

Bộ có vai trò của một nhà toán học

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Bộ Kế hoạch Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, Bộ phải đi xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành. Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng. Dù 2019 đạt hiệu quả góp phần đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2016-2020, nhưng tuyệt đối không được lơ là, tự mãn, chủ quan, thiếu quyết liệt trong năm 2020. Với các mục tiêu năm 2020 này, yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư phải hiến kế để kinh tế Việt Nam sớm về đích; làm sao để tạo bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, ngành và địa phương, để nhanh chóng đưa các Nghị quyết của 01, 02 và các Nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020”.

Thực tế là năm qua, nước ta cải thiện 10 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo xếp hạng của WEF), nhưng lại tụt 1bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo WB). Trước đây chúng ta đặt mục tiêu đứng vào top 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực OECD. Tuy nhiên, từ thực tế vừa nêu, theo Thủ tướng, việc cải thiện thứ hạng so với các nước là rất thách thức. Đây là vấn đề Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đề xuất chính sách đột phá nào để giải quyết thách thức này. 

Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần thảo luận, đề xuất thay đổi tên của Bộ cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển với tinh thần đổi mới, trong đó, Thủ tướng gợi ý hai tên để thảo luận là Ủy ban Cải cách đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển./.

Theo Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-goi-y-thay-doi-ten-cua-bo-ke-hoach-va-dau-tu-998858.vov

  • Từ khóa

Quốc hội "chốt" chi hơn 122.000 tỉ đồng cho phát triển văn hoá

Kinh phí thực hiện chương trình phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2030 được Quốc hội quyết nghị tối thiểu là 122.250 tỉ đồng
10:05 - 27/11/2024
57 lượt xem

Quốc hội chốt duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%

Luật Công đoàn mới quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% và sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công...
09:24 - 27/11/2024
74 lượt xem

Hộ kinh doanh thu trên 200 triệu đồng một năm mới phải đóng thuế VAT

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2025
20:16 - 26/11/2024
363 lượt xem

Quốc hội "chốt" áp thuế VAT 5% đối với phân bón

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 8, 407/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
20:14 - 26/11/2024
390 lượt xem

Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn

Cùng với những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm vừa qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: giá trị...
12:07 - 26/11/2024
557 lượt xem