"Để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, trong thời gian tới, cần tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng."
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hiện nay, Đảng đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
——————
Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tập trung trước hết vào hai nhóm vấn đề: hoàn thiện, phát triển cương lĩnh của Đảng và hoàn thiện, đổi mới công tác cán bộ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường kỷ luật của Đảng
Quan điểm của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống” (trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách).
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần tập trung trước hết vào hai nhóm vấn đề: hoàn thiện, phát triển cương lĩnh của Đảng và hoàn thiện, đổi mới công tác cán bộ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, cương lĩnh, đường lối của Đảng, nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cần liên tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển theo hướng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần độc lập tự chủ của Đảng.
“Nếu cương lĩnh không phù hợp thực tiễn sẽ dẫn đến chệch hướng, gây ra những hệ quả nghiêm trọng,” ông Phúc nhấn mạnh.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Đi liền với đó là nhiệm vụ xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng (chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh). Đó là kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
“Những vấn đề lý luận cần được vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước trong điều kiện mới của thời đại. Đảng phải quyết định quá trình thể chế hóa cương lĩnh, đường lối thành chính sách, pháp luật của nhà nước; đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước và cả hệ thống chính trị,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ.
——————
Để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, trong thời gian tới, cần tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Có cùng quan điểm trên, ông Hà Đăng - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, trong thời gian tới, cần tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ngoài ra, ông Hà Đăng cũng cho rằng, cần chú trọng xây dựng những giá trị, chuẩn mực đạo đức trong Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên canh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, Đảng cần chú trọng nâng cao trình độ học vấn, tri thức cho cán bộ, đảng viên.
“Đi liền với việc xây dựng khung tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức để cán bộ, đảng viên học tập, phấn đấu, việc xây dựng chế tài xử lý nghiêm minh, chặt chẽ đối với những hành vi vi phạm cũng rất cần thiết để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện,” ông Hà Đăng nhấn mạnh.
Việc ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật, một lần nữa cho thấy Đảng ta rất kiên quyết trong việc xử lý cán bộ. (Ảnh: TTXVN)
Phòng ngừa từ trong gia đình, dòng họ
Đối với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, khó khăn lớn nhất là việc nhận diện cụ thể thế nào là chạy chức, chạy quyền. “Nếu đã ‘chạy’ thì phải có thông tin, địa chỉ: ai chạy? Chạy đến đâu? Chạy đến ai?” - ông Phúc đặt vấn đề.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, yêu cầu trước hết là phải nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, phải có chế tài kiểm soát chặt chẽ việc chạy chức, chạy quyền.
“Vấn đề quan trọng nhất không phải là ‘Làm sao để kiểm soát?’ mà là ‘Có thực sự muốn kiểm soát hay không?’ Khi người thân (vợ, chồng, cha mẹ, con cái…) nhận quà biếu, quà tặng giá trị lớn (có khi là cả căn nhà, cái xe…) thì cán bộ, đảng viên không thể nói rằng mình vô can, không biết. Bởi vậy, việc đấu tranh chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền phải được bắt đầu, phòng ngừa từ trong gia đình, dòng họ,” ông Nguyễn Trọng Phúc bày tỏ quan điểm.
Hơn nữa, để công tác giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên (đặc biệt là lớp trẻ) không trở nên khô cứng, giáo điều, cần bắt đầu bằng những câu chuyện, tấm gương cụ thể, thực tế.
Đưa ra ví dụ, ông Nguyễn Trọng Phúc cho hay, câu chuyện về những người nộp lại quà tặng, quà biếu trái quy định hay câu chuyện về những tấm gương điển hình (như cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật ở Thạch Thất, Hà Nội với hành trình hơn 30 năm “đội đơn” tìm công lý cho… người khác; hai ông lão Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng ở Thuận Thành, Bắc Ninh với hành trình đưa hàng nghìn hồ sơ thương binh giả ra ánh sáng….) sẽ có sức lan tỏa, tác động sâu sắc hơn những bài học lý thuyết.
“Những tấm gương như vậy cần được phát hiện, động viên và giới thiệu rộng rãi để nâng cao nhận thức, ý thức và tạo ra những hành động cụ thể trong cộng đồng,” ông Nguyễn Trọng Phúc cho hay.
Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu
Để khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ nói riêng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp, trước hết là cán bộ cấp chiến lược. Bởi, những hành động (dù rất nhỏ) của người đứng đầu cũng có tác động rất lớn tới cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Việc nêu gương này cần được cụ thể hóa trên một số phương diện cơ bản như trung thành với lý tưởng cách mạng, cương lĩnh đường lối của Đảng, đường lối phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Hơn nữa, người đứng đầu phải nêu gương rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nêu gương về tinh thần mẫn cán, trách nhiệm trong công việc; nêu gương về đổi mới tác phong, phong cách làm việc, chống quan liêu, lãng phí…
——————
Cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”
“Quy định mới do Ban chấp hành Trung ương ban hành có tính pháp lý cao hơn, hiệu lực mạnh hơn, tập trung trước hết vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Theo tôi, đây là biện pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ. Bởi lẽ, quy định này thực chất là là một cam kết chính trị của Ban chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân. Đó cũng là sự cam kết của Ban chấp hành Trung ương đối với chính mình bởi Ban chấp hành Trung ương vừa là người ban hành và vừa là người thực hiện. Cam kết của Ban chấp hành Trung ương được công bố công khai trên các phương tiện đại chúng để toàn Đảng, toàn dân theo dõi giám sát,” ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương Đảng) nhận định.
Ở góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những hạn chế tồn tại trong thời gian qua liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc. (Ảnh: P.Mai/Vietnam+) |
Nói khác đi, việc kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, ràng buộc trách nhiệm là điều kiện tiên quyết khi thực hiện phân cấp, phân quyền và để ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương cần đi đôi với việc tạo môi trường để cán bộ phát huy sáng tạo, đồng thời có cơ chế bảo vệ cán bộ.
“Dù ở phương diện nào, yêu cầu quan trọng nhất là phải bảo tính khách quan, trung thực, công khai, dân chủ,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc cho hay.
Trong bối cảnh mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Kết luận đã yêu cầu rõ: Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, chỉ định, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm...), quy trình, chế độ, chính sách theo đúng quy định hiện hành; kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ,” “lợi ích nhóm;” thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau;” thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm…./.
Chiều 12/10/2019, Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) họp phiên bế mạc tại trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo VietnamPlus
https://www.vietnamplus.vn/truoc-them-dai-hoi-xiii-chinh-don-dang-cung-co-niem-tin-cua-nhan-dan/615149.vnp