Trong năm 2019, quan hệ Việt Nam-Belarus đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các lĩnh vực hợp tác song phương được đẩy mạnh, thu được những kết quả tích cực.
Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Belarus năm 2014. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Belarus Mikhail Myasnikovich, Chủ tịch Viện Đại biểu Belarus Vladimir Andreichenko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 12-14/12/2019.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Cộng hòa Belarus nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, trao đổi về phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước, thảo luận các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Quan hệ Việt Nam-Belarus có những bước phát triển mạnh mẽ
Việt Nam-Belarus có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt. Belarus coi trọng việc tăng cường quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Trong năm 2019, quan hệ Việt Nam-Belarus đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các lĩnh vực hợp tác song phương được đẩy mạnh, thu được những kết quả tích cực.
Hai nước hiện có các cơ chế hợp tác: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự; Ủy ban Hợp tác về khoa học và công nghệ; Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, trên nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế khác. Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021.
[Lãnh đạo Belarus mong chờ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam]
Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế. Belarus là một trong những nước đầu tiên tuyên bố ủng hộ và có văn bản khẳng định từ rất sớm việc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về quan hệ giữa Quốc hội Belarus và Quốc hội Việt Nam, thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Belarus được ký tháng 4/2009, nhân chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Belarus của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Thỏa thuận này là dấu mốc quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Trong những năm qua, hai Quốc hội thường xuyên trao đổi đoàn. Các đoàn đại biểu Quốc hội nước ta khi thăm làm việc tại nước bạn đều được đón tiếp trọng thị vào chu đáo.
Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Belarus và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Belarus-Việt Nam đã được thành lập, hoạt động tích cực, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.
Quan hệ song phương có những bước khởi sắc
Với nỗ lực của cả hai phía, quan hệ thương mại song phương có những bước khởi sắc rõ rệt.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 107,15 triệu USD (trong đó xuất khẩu 13,98 triệu USD, nhập khẩu 93,17 triệu USD); năm 2015 đạt 124,7 triệu USD (xuất khẩu 4,6 triệu USD, nhập khẩu 120,1 triệu USD); năm 2016 đạt 94,5 triệu USD (xuất khẩu 2,5 triệu USD, nhập khẩu 92 triệu USD); năm 2017 đạt 101 triệu USD (xuất khẩu 7,14 triệu USD, nhập khẩu 93,96 triệu USD), năm 2018 đạt 92,2 triệu USD (xuất khẩu 43,1 triệu USD, nhập khẩu 49,1 triệu USD).
Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng năm 2019 đạt 153,4 triệu USD (tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu của Belarus sang Việt Nam đạt 83,9 triệu USD (tăng 76,4%), xuất khẩu của Việt Nam sang Belarus đạt 69,5 triệu USD (tăng 86,8%).
Dự kiến kim ngạch thương mại song phương cả năm 2019 sẽ đạt mức 200 triệu USD sau nhiều năm dừng ở con số 100 triệu USD/năm.
Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính... nhập khẩu phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...
Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật họp thường kỳ, đã họp 14 khóa. Ngày 29/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cử Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu đã phê chuẩn Hiệp định, có hiệu lực từ 5/10/2016.
Hiện nay, Belarus có 3 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 16,25 triệu USD. Việt Nam có một dự án đầu tư sang Belarus vào lĩnh vực bán buôn bán lẻ của Công ty Thương mại nước ngoài IP Hapaco làm chủ đầu tư theo hình thức 100% vốn đầu tư FDI với quy mô 1,6 triệu USD vào tháng 5/2009.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Belarus I. Lyashenko (9/2019), hai bên đã chính thức khai trương Liên doanh lắp ráp xe tải MAZ ASIA với tổng công suất 3.000 sản phẩm/năm và ký kết các văn bản thành lập Liên doanh sản xuất các sản phẩm sữa tại tỉnh Hưng Yên.
Hai dự án này là những minh chứng sinh động cho nỗ lực, cố gắng của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương với định hướng chuyển từ thương mại đơn thuần sang hợp tác, liên doanh chế biến, sản xuất.
Nhiều lĩnh vực hợp tác thực chất, hiệu quả
Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus. Hợp tác an ninh quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn và hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp, nhiều dự án được triển khai có kết quả. Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam-Belarus đã tiến hành được 11 khóa họp.
Trong các năm 2014 và năm 2017, hai bên đã tổ chức “Những ngày Văn hóa Belarus” tại Việt Nam và năm 2015 tổ chức “Những ngày Văn hóa Việt Nam” tại Belarus. Lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam tăng nhanh từ sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus vào năm 2015.
Từ ngày 1/2/2017, Việt Nam thí điểm cấp visa điện tử cho 40 nước, trong đó có Belarus. Ngày 9/1/2017, Tổng thống Belarus ký Sắc lệnh về miễn thị thực xuất nhập cảnh Belarus trong thời hạn 5 ngày cho công dân 80 nước, trong đó có Việt Nam (với công dân Việt Nam và một số nước khác có thêm một số điều kiện bắt buộc). Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 12/2/2017. Ngày 24/7/2018, Tổng thống Belarus ký Sắc lệnh nâng thời hạn miễn thị thực nói trên lên 30 ngày.
Hợp tác lao động là một trong những hướng hợp tác triển vọng giữa hai nước. Hai nước đã ký Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau và có hiệu lực từ 6/6/2013.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước tích cực được thúc đẩy. Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác giữa Hà Nội và Minsk; Đà Nẵng và tỉnh Grốtnô; Thành phố Hồ Chí Minh và Minsk, Quảng Ninh và Minsk, Grodno, Brest; Hải Phòng, Bình Thuận và Vitebsk; Quảng Nam và Mogilov, Lào Cai và Brest. Hai bên đã ký nhiều hiệp định khung.
Cộng đồng Việt Nam ở Belarus hiện có khoảng 500-600 người (bao gồm người Việt định cư, làm ăn sinh sống tại đây, sinh viên, lao động làm việc có hạn theo hợp đồng) nhìn chung được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại.
Tháng 12/2006 Tổng thống A. Lukashenko đã cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài ở Belarus./.
Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-quan-he-huu-nghi-hop-tac-nhieu-mat-viet-nambelarus/612323.vnp