Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh sự quan tâm của nhà nước, thì người nông dân phải đổi mới trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Sáng nay (10/12), tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với hơn 300 nông dân, đại diện cho nông dân Việt Nam trên cả nước. Hàng loạt các vấn đề nóng liên quan đến tiêu thụ nông sản cho nông dân, giúp nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, tích tụ đất đai, phát triển hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của vùng... đã được nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nêu ra.
Thủ tướng lắng nghe nguyên vọng của nông dân.
Phát biểu trước khi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh bà con nông dân cả nước đã đặt khoảng 2.000 câu hỏi đối với Thủ tướng, trong đó có những câu hỏi rất trực tiếp vào việc chế biến và tiêu thụ nông sản, nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu. Thủ tướng cho biết, sau buổi đối thoại này, Thủ tướng sẽ tiếp tục đối thoại với nông dân cả nước tại miền Trung.
Tại buổi đối thoại này, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp các vấn đề nông dân Việt Nam đặt ra, song, cùng với những nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước đã quan tâm nhưng nông dân phải tự đổi mới.
"Người nông dân phải thay đổi, nếu không góp vốn cùng kinh doanh thì làm sao thành công? Người nông dân không tự tái cơ cấu sản xuất ở từng vùng, từng dịa phương, từng gia đình thì làm sao thành công được? Người nông dân phải đổi mới trong tình hình đất nước, tình hình thị trường đang thay dổi để chúng ta phát triển. Tính chủ động của bà con chúng ta rất quan trọng. Phải chủ động và chủ động hơn nữa” - Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng gặp gỡ các đạib biểu tại buổi đối thoại.
Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm
Tại buổi đối thoại, đã có hơn 20 câu hỏi trực tiếp đặt ra với Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, nông dân Trần Công Danh- ấp Thới Phước, xã Tân Thạch, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, cho rằng, Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN& PTNT xây dựng chuyên đề đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đến nay tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn trở đi trở lại: "Vậy tôi xin hỏi Thủ tướng Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đã được thực thi như thế nào? Chính phủ và Thủ tướng sẽ làm gì để hạn chế kinh phí trung gian cho nông dân?”
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trao đổi với nông dân Trần Công Danh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời, mặc dù đã tăng trưởng liên tục trong xuất khẩu nông nghiệp như năm ngoái và năm nay đạt con số giá trị xuất khẩu 40-41 tỷ USD, có nghĩa là năng lực sản xuất và năng lực phát triển thị trường đã mở rộng tăng nhanh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề này trong thời gian tới nếu chất lượng và quy mô sản xuất của chúng ta không ổn định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có một số điều kiện cơ bản chúng ta phải tính đến. Trước tiên phải đổi mới lại tổ chức sản xuất. Mô hình Hợp tác xã để đảm bảo sự liên kết của các hộ nông dân, các nguồn lực trong nông nghiệp để có được sự ổn định cả về sản lượng, quy mô. Từ đó, chúng ta nghiên cứu dự báo được công tác thị trường và đảm bảo phát triển thị trường.
"Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương đều phải tập trung quyết liệt cho những vấn đề này. Ngay trong Bộ Công thương, chúng tôi đã triển khai Đề án xây dựng lại hệ thống thông tin trên cơ sở nghiên cứu, dự báo cho các nhóm ngành hàng trọng yếu và có yêu cầu cần bình ổn thị trường cho nông nghiệp Việt Nam; bổ sung các thông tin một cách kịp thời đầy đủ cho chính quyền dịa phương, cũng như cho các chuỗi sản phẩm của chúng ta trong nông nghiệp”- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói.
Thủ tướng chủ trì buổi đối thoại, trực tiếp trao đổi vấn đề nông dân quan tâm.
Cũng về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nông dân Nguyễn Trí Công, đại diện cho 4.000 hộ chăn nuôi lợn vùng Đông Nam Bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có dự báo chính xác về thị trường, tính toán được nhu cầu thị trường để làm cơ sở cho sản xuất.
Bên cạnh đó, nông dân hiện đang muốn tham gia liên kết "6 nhà", nhưng việc này gặp khó khăn, nông dân khó tham gia vào các chuỗi sản xuất và tiêu thụ, trong đó, điều rất cần là hình thành các HTX. Song hiện nay công việc này gặp khó khăn, một số hợp tác xã thì hoạt động như doanh nghiệp, nên khó liên kết nông dân.
Trao đổi với nông dân Nguyễn Trí Công về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, Liên minh HTX sẽ làm tốt một số nhiệm vụ. Trước hết là tư vấn ở các địa bàn hợp tác xã nông thôn. Thứ hai, làm tốt nhiệm vụ đào tạo. Theo ông Bảo, hiện nay Liên minh HTX, có 6 trường đào tạo ở cả ba miền. Liên minh HTX đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa và ban hành một Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.
"Như Nghị định mới được ban hành, chắc chắn 63 tỉnh, thành phố sẽ có đủ các Quỹ này. Đây là nguồn hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn cùng vốn tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đồng hành phát triển cùng các Hợp tác xã thời gian tới”- ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Còn nhiều vốn ưu đãi cho nông dân
Vấn đề tiếp cận vốn cũng được nhiều nông dân đặt ra, trong đó có khó khăn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp 4.0... Nông dân Nguyễn Hữu Hà, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đặt vấn đề: “Tôi được biết hiện nay Chính phủ đã ra Nghị định 116 thay thế cho Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn xong dân vẫn khó khăn; trong tiếp cận vốn bay quy định thủ tục còn rườm rà. Vậy Chính phủ có hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là nông dân nông nghiệp 4.0?”
Thủ tướng tham quan, nghe giới thiệu về các sản phẩm của người nông dân.
Trả lời nông dân Nguyễn Hữu Hà về nội dung này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, gói cho vay hỗ trợ công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp là 100.000 tỷ đã được Thủ tướng chỉ đạo hình thành từ năm 2016, và đến nay đã cho vay được 38.000 tỷ đồng cho 17.000 khách hàng, trong đó có chủ yếu là hộ nông dân. Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là một lĩnh vực được ưu tiên, được tập trung vốn tín dụng một cách tích cực và nhanh hơn so với các lĩnh vực khác.
Ông Đào Minh Tú cho biết thêm, đối với những hộ gia đình, những doanh nghiệp ứng dụng KHCN cao hoặc những chương trình dự án đúng đối tượng hoàn toàn có thể tiếp cận 8 ngân hàng, trước hết là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 4 ngân hàng Thương mại Cổ phần khác cho vay các đối tượng này với các lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, những đối tượng, chương trình doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được ưu đãi. Bởi, đã là chính sách ưu tiên thì phải đúng đối tượng.
Trong khi đó, một số nông dân đề cập việc Quỹ hỗ trợ nông dân đang hoạt động rất hiệu quả, việc vay vốn qua đây rất thuận lợi, song khổ nỗi nguồn vốn mà nông dân được vay còn thấp, mỗi hộ chỉ được vay không quá hạn mức 50 triệu đồng do Quỹ có hạn.
Về điều này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân là hạn chế nguồn cho vay. Các quỹ này có vốn ngân sách là vốn mồi, song lại chưa thu hút được nguồn xã hội hóa. Đây là vấn đề mà Bộ Tài chính sẽ làm việc với Hội nông dân để tháo gỡ vướng mắc.
Trao đổi với nông dân về vấn đề các nguồn vốn hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện, Trung ương Quỹ Hội Nông dân có khoảng 2000 tỷ. Các dịa phương đều có Quỹ hỗ trợ nông dân ở mức độ khác nhau trên một tinh thần trong dự toán hàng năm, chúng ta sẽ cố gắng tăng quỹ này lên từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Thủ tướng yêu cầu, Hội nông dân từ Trung ương đến địa phương sử dụng Quỹ hết sức có hiệu quả, quản lý Quỹ chặt chẽ để phát triển bền vững.
Sẽ có Nghị định về tích tụ ruộng đất
Tại buổi đối thoại, một vấn đề cũng rất nóng, đó là việc tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân Nguyễn Trọng Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, Đà Lạt cho biết, điều này khiến nông dân khó khăn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất:
“Sau hội nghị lần đầu tiên năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi bổ sung, trình Thủ tướng Luật Đất đai năm 2013 theo hướng làm lợi cho nông dân. Chúng tôi không biết hướng tới nay Luật đó đã sửa đổi như thế nào? Đặc biệt trong thời gian vừa qua và hiện nay với các doanh nghiệp, HTX đang vướng mắc khó khăn về đất đai, hiện nay chúng tôi có nhu cầu mở rộng về nhà xưởng để chế biến đóng gói về sản phẩm nông nghiệp...”-Nông dân Nguyễn Trọng Thừa nói.
Trả lời theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, hiện Bộ TNMT đang xây dựng một dự thảo nghị định quy định về tập trung và tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp, giải quyết những khó khăn cho bà con nông dân.
Nghị định này đang được hoàn thiện khuyến khích tập trung đất đai thông qua hình thức thuê quyền sử dụng đất của nông dân hoặc liên kết với người sử dụng đất để tổ chức sản xuất và hình thành chuỗi giá trị trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra và các quy định chính sách để đảm bảo quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân khi nông dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Vềlâu dài, được sự chỉ dạo của Chính phủ, Bộ TN-MT đang tích cực lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng Luật Đất đai theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2020.
Nông dân Dương Văn Tạo, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thì đặt vấn đề về biến đổi khí hậu đang tác động xấu tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, biểu hiện rõ nét đặc biệt là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, lũ về muộn: “Tôi được biết 2 năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị ĐBSCL để cải thiện vấn đề phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Tôi cũng muốn biết thêm Thủ tướng bằng cách nào để danh nguồn lực cho toàn vùng được phát triển bền vững?”
Thủ tướng trả lời nhiều vấn đề nông dân quan tâm.
Chia sẻ với lo lắng này của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, thì đến nay đã đạt những kết quả bước đầu. Quan điểm của Chính phủ đối với ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng thế mạnh, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, biến “nguy” thành “cơ”. Chính vì vậy quan điểm chỉ đạo thứ hai là thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy biến chủ yếu sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ số lượng sang chất lượng...:
Thủ tướng nhấn mạnh, tôn trọng quy luật tự nhiên trên tinh thần “thuận thiên”, xây dựng các kịch bản, các giải pháp ứng phó với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, các tình huống bất lợi do BĐKH, cái này rất cấp bách. Theo Thủ tướng, năm nay chúng ta phải chuẩn bị tinh thần nước sông Mekong cạn kiệt ảnh hưởng đến Nam Lào, Campuchia, Thái lan và ĐBSCL.
"Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước, tiểu vùng sông Mekong là sự nghiệp của toàn dân; khuyến khích huy động các tầng lớp xã hội, các đối tác quốc tế các doanh nghiệp tham gia vào phát triển sản xuất. Chúng ta sẽ huy động bổ sung thêm 2 tỷ USD vào ĐBSCL để đầu tư hạ tầng; chủ trương định hướng phát triển mô hình ĐBSCL lấy con người làm trung tâm phục vụ người Dân, giảm khoảng cách giàu nghèo, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu”- Thủ tướng chia sẻ.
Nông dân Lý Thị Nga, ở tổ Xuân Đại, Thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, Cao Bằng thì đề cập đến vấn đề, nhiều công ty xuất khẩu lao động, đường dây môi giới xuất khẩu về tận các vùng nông thôn để lừa đảo, thu tiền của người dân đi lao động chui. Chị Nga đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây lừa đảo này.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo, liên quan đường dây lừa đảo đưa người đi nhập cư trái phép như vừa qua hoặc là những dự án ma một số người lợi dụng, có hồ sơ chúng hiện Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm khắc nhất.
"Ví dụ như đường dây lừa đảo lao động vừa qua chúng tôi đã giao cho Bộ Công an điều tra xử lý nhanh nhất và sẽ sớm thông tin cho người dân biết việc này. Phải làm nghiêm. Cấp ủy, chính quyền của chúng ta phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ để cảnh báo cho người dân. Mặt khác các cơ quan chức năng phải làm tốt việc này để chống tham nhũng, đặc biệt là chống tình trạng lừa đảo qua đó đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo Vũ Dũng-Phan Ánh/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/nha-nuoc-quan-tam-song-nong-dan-phai-doi-moi-988324.vov