PGS Vũ Minh Khương lấy hình ảnh: “Ông Park Hang Seo rút người ra khi có người đá hay hơn thay, còn ta rút người ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù rồi".
Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, quyết định sự thành bại của tổ chức, là chìa khó để giải quyết các vấn đề của tổ chức. Đầu tư vào nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của từng cơ quan Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của nền công vụ quốc gia, tác động tới hiệu quả quản trị quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, phải làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế?
Trước hết, đi từ nền hành chính công vụ, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nền hành chính của Việt Nam vẫn lấy Nhà nước làm trung tâm chứ chưa lấy người dân làm trung tâm, vẫn nặng tư duy không quản được thì cấm. Trong quá trình quản trị xã hội vẫn chú trọng đưa pháp luật vào thực tiễn nhưng chưa đưa thực tiễn vào chính sách pháp luật… và còn nhiều vấn đề bất cập khác.
Trước thực tế nền hành chính nước ta, PGS. TS Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần xây dựng nền tảng thể chế cho tương lai chứ không phải nay làm mai xoá. Thể chế ấy phải giúp đất nước phát triển và phải có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Công cuộc cải cách của chúng ta là tập trung thị trường, con người và thể chế. Điểm nghẽn chính là thể chế, khiến công chức của chúng ta chưa làm việc như “người nông dân trên đồng ruộng của mình”. Rõ ràng thể chế chưa ổn nên giống như có một bàn tay vô hình đang níu họ lại.
Cải cách không phải chỉ thông minh nữa, mà phải là thông tuệ, công nghệ hoá chứ không phải công nghiệp hoá. Giá trị tạo ra không phải hiệu quả điều hành mà còn là hiệu ứng cộng hưởng trong nước và thế giới.
PGS Vũ Minh Khương đưa ra quan điểm về một bộ máy công quyền ưu tú, đó là phải vạch ra tầm nhìn và chiến lược phát triển; gắn kết và phối thuộc hành động; không ngừng học hỏi, đẩy nhanh và nâng tầm công cuộc phát triển. Đặc trưng của bộ máy công quyền đó là phải cởi mở, minh bạch, chịu trách nhiệm; Gắn kết máu thịt với dân, hiểu dân, trăn trở với nỗi đau của dân, thôi thúc thực hiện khát vọng của dân; có thực lực (năng lực, quyền hạn, nguồn lực) để hoành thành xuất sắc trách nhiệm.
“Chính phủ xác định rõ mục tiêu, chúng ta có ước mơ nhưng cách thiết kế như thế nào? Không thể không dùng kỹ thuật số và tiếng Anh. Trình độ tiếng Anh phải sử dụng để làm việc chứ không phải là những chứng chỉ A, B, C…” – GS Vũ Minh Khương nói.
Bộ máy công quyền ưu tú phải thôi thúc thực lực, phải trao quyền thực sự cho cơ sở, có quyền hạn, như hiện nay còn chồng chéo, bộ này nhìn ngó bộ kia. Muốn có sức mạnh thần tốc thì phải có sự gắn kết, tạo sức mạnh cộng hưởng. Từ qui trình phải đi vào qui luật, phát triển thành phát đạt. Thời đại đổi thay thì cán bộ công chức cũng phải đổi thay. “Luôn phải test xem người dân có tin cán bộ công chức không. Công trình có vĩ đại đến đâu mà người dân không được hưởng lợi thì cũng không có ý nghĩa” – PGS Vũ Minh Khương phân tích thêm đồng thời đúc rút một điều: “Ông Park Hang Seo rút người ra khi có người đá hay hơn, còn ta rút người ra khỏi bộ máy công quyền là đi tù rồi”.
Đồng tình với quan điểm phải phân cấp, phần quyền mạnh hơn cho địa phương, PGS. TS Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, hành chính công buộc phải thay đổi trong đó có việc áp dụng một số yếu tố của cơ chế thị trường như cạnh tranh, đấu thầu, tính hiệu quả, lượng hóa, so sánh kết quả/chi phí, coi công dân là khách hàng của nền hành chính, quản lý theo mục tiêu, làm cho nền hành chính trở nên năng động, hiệu quả hơn; tư nhân hóa, xã hội hóa một phần các hoạt động của Nhà nước…
Một vấn đề được ông Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhắc tới đó là thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo ông Liên, thái độ phải hơn trình độ. Bây giờ, kỷ luật lỏng lẻo, vô cảm, không sáng tạo, không chủ động đang là hiện tượng tương đối phổ biến trong nền công vụ của chúng ta. Cái lớn về kiến thức ta làm dần dần nhưng vấn đề đạo đức, văn hóa công vụ nếu chúng ta khắt khe, kỷ luật tốt để chuyển biến thái độ làm việc. “Bây giờ nhiều người nước ngoài làm việc với chúng ta họ phàn nàn về thái độ của cán bộ, công chức. Biến kiến thức, kỹ năng thành hành động thực tiễn, nhưng với thái độ như thế này thì cả kiến thức, kỹ năng cũng không được” – ông Liên nói./.
Bài 2: Đào tạo, bồi dưỡng công chức: Sếp hay nhân viên phải đi học?
Vừa qua, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Viện Quản trị Chandler, Singapore tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế”. Tham dự và điều hành Hội thảo gồm có PGS.TS. Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS. TS. Vũ Minh Khương - Thành viên Hội đồng Cố vấn, Viện Quản trị Chandler; Ông Jean-Marc Chneider - Giám đốc phụ trách nhân sự và hợp tác quốc tế, Tổng cục Hành chính và công vụ, Bộ Cải cách nhà nước, phân cấp và công vụ, Cộng hòa Pháp. Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các nước: Pháp, Italia, Nga, Thụy Điển, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nigeria; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và các thầy cô trong Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Trưởng, Phó các đơn vị và đông đảo viên chức, giảng viên cùng tham dự. |
Theo An Nhi/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/nhieu-can-bo-bi-rut-ra-khoi-bo-may-cong-quyen-la-di-tu-987672.vov