Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí liên quan đến vấn đề nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, phóng viên đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhưng hiện chưa có nhân sự mới để Quốc hội xem xét phê chuẩn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chức danh này Quốc hội chỉ phê chuẩn bổ nhiệm khi Chính phủ trình sang. Hiện Chính phủ phân công cán bộ tạm thời đảm nhiệm công việc ở Bộ này và chưa trình nhân sự mới.
“Quốc hội chỉ phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nên khi nào Thủ tướng chọn đượng Bộ trưởng và đề nghị thì Quốc hội xem xét” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua quy định hình thức kỷ luật “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” với người đã nghỉ hưu nhưng có sai phạm trong quá trình công tác. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ quả pháp lý tương ứng với mức kỷ luật.
“Hệ quả pháp lý tương ứng” ở đây được hiểu sẽ theo hướng như thế nào? Khi nào thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định vấn đề này” – phóng viên VOV.VN đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thể chế hoá vấn đề xử lý cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm là chủ trương lớn của Đảng, là yêu cầu của thực tiễn và phúc đáp nguyện vọng của cử tri.
Hình thức xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm về mặt Đảng cũng đã được quy định. Việc quy định trong luật này nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng.
“Chính phủ sẽ quy định chi tiết về xử lý cán bộ đã nghỉ hưu và theo quy định phải được ban hành, có hiệu lực cùng với thời điểm luật có hiệu lực, tức từ 1/7/2020” - ông Nguyễn Trường Giang thông tin.
Đại biểu có phát biểu vì “loby”?
Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng phản ánh có ý kiến cử tri băn khoăn về biểu hiện lobby, đặt hàng khi trong một số phiên thảo luận ở Quốc hội, có những đại biểu liên tục phát biểu về một vấn đề và có tình trạng một số bài phát biểu trùng lặp về cùng vấn đề. Tại nhiệm kỳ trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã cảnh báo về tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu của người khác.
Toàn cảnh cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV
Trả lời câu hỏi trên, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nếu nói vấn đề “đặt hàng” đại biểu Quốc hội thì rất khó. “Nếu có phần mềm nào đó phân tích được thì tốt”, ông Phúc nói. Theo ông, quyền của đại biểu Quốc hội là có thể thuê chuyên gia nghiên cứu bài phát biểu trước hội trường và họ được cấp kinh phí cho việc này. Riêng về việc trùng lặp, ông Phúc cho rằng có thể đại biểu Quốc hội cùng nghiên cứu một vấn đề.
“Có đại biểu nói trùng rồi thì xin rút, nhưng có đại biểu đã đăng ký, và biết có cử tri theo dõi nên họ phát biểu là bình thường. Theo tôi cái đó không đặt vấn đề nặng nề quá!”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tiếp tục đặt vấn đề, phóng viên dẫn chứng một đại biểu Quốc hội khoá XIII đã từng phát hiện có 4 bài phát biểu của đại biểu Quốc hội có những đoạn giống nhau, thậm chí sai giống nhau.
Hoặc cử tri phản ánh có đại biểu tập trung quá nhiều vào một dự án hay chính sách, có thể có lợi cho bộ ngành hay địa phương nào đó. Việc này sẽ tác động đến quyết định của Quốc hội.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quá trình đại biểu Quốc hội làm việc với bộ ngành thì chắc chắc có trao đổi, nhưng “không vì thế mà làm xoay chuyển, làm lệch chủ trương đúng đắn”.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nếu vấn đề đại biểu đặt ra là đúng thì rất tốt, còn không thì Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/khi-nao-chinh-phu-trinh-nhan-su-bo-truong-y-te-thi-quoc-hoi-xem-xet-983545.vov