Chiều 26/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. Ảnh Như Ý
Nghị quyết quy định, đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước:
Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 05 tỷ đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Giải trình về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về căn cứ pháp lý, sự cần thiết, nguyên nhân và mục đích đề nghị ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế, vì việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế này không giải quyết vấn đề chống thất thu mà dễ phát sinh những vấn đề phức tạp trong quản lý thuế.
Về việc này, UBTVQH cho biết, Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 152 của Luật Quản lý thuế, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, do đó đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 không được hồi tố để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38. Do đó, cần thiết phải ban hành Nghị quyết này để xử lý nợ đối với các đối tượng đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 nhưng phát sinh trước ngày 01/7/2020.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, theo đó các cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ, đáp ứng các điều cụ thể về hồ sơ, thủ tục theo quy định của Nghị quyết này thì mới được xử lý nợ. Đồng thời, Nghị quyết này chỉ khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý tiền nợ thuế gốc, theo đó điều kiện tiên quyết để được xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đối với tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định Luật Quản lý thuế số 38.
Theo Luân Dũng/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quoc-hoi-dong-y-xoa-hon-16000-ty-dong-no-thue-1490990.tpo