Theo đại biểu, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi một vụ hòa giải chỉ 1,2 triệu, tức là ít hơn 4,3 triệu đồng.
Sáng 26/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, đối với các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua, mà điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức các thiết chế để giúp người dân hòa giải được với nhau.
"Phương thức hòa giải tại Tòa án cần phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam, tiết kiệm cho ngân sách” – bà Nguyễn Thị Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy.
Theo đại biểu, khác với phương thức xét xử tại tòa án là công khai, mọi người có quyền tham dự thì phương thức hòa giải lại được tiến hành trong môi trường riêng, chỉ có sự tham gia của các bên liên quan. Điều này giúp các bên yên tâm, tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp bất đồng, thậm chí là có thể nói hết những uẩn khúc, nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn. Tính ưu việt này không phải khi nào cũng có được tại phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, vụ án kinh doanh thương mại.
“Như phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua, mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày, chắc rằng đây cũng là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn” – bà Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng.
Nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng, nếu được các bên đồng ý thì hòa giải viên còn có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của các bên cùng tham gia hòa giải, phân tích phải trái, thiệt hơn, giúp các bên cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định.
Thí điểm vừa qua cho thấy, nhiều hòa giải viên đã sử dụng hiệu quả cách làm trên và kết quả là nhiều vụ các bên đã từ bỏ ý định ly hôn, quay trở lại đoàn tụ; nhiều vụ vay mượn, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế cũng đã được giảng hòa, tìm ra giải pháp cả 2 cùng chấp nhận.
Trong khi đó, với phương thức xét xử tại Tòa án, việc mời những người nêu trên tham gia phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bản án có thể bị hủy để xét xử lại vì Tòa án chỉ được mời những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ, để mở một phiên tòa sơ thẩm cần ít nhất 5 cán bộ tư pháp, gồm thẩm phán, các hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký tòa án, chưa kể có vụ án phải triệu tập cả giám định viên thẩm định giá, phiên dịch tham gia.
Hơn nữa, ở giai đoạn thi hành án, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thi hành án xong về tiền chỉ đạt khoảng 35 %; đến năm 2019 vẫn còn hơn 96.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được. Có những vụ phải huy động đến 199 cán bộ để tham gia cưỡng chế thi hành một bản án dân sự, chưa kể số lượng bản án có thời gian thi hành trên 10 năm nay vẫn chưa xong lên tới hàng nghìn.
Kết quả thí điểm hòa giải tại 16 tỉnh vừa qua cho thấy đây là thiết chế hiệu quả, tiết kiệm cho cả người dân và Nhà nước, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt 78 %, đặc biệt Khánh Hòa, Bình Dương đạt tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 90 %.
“Theo tính toán hiện nay, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng. Trong khi mức chi cho một vụ hòa giải chỉ 1,2 triệu đồng, tức là ít hơn 4,3 triệu đồng. Thí điểm vừa qua đã hòa giải thành công gần 40.000 vụ. Theo đó đã tiết kiệm cho ngân sách ít nhất 170 tỷ đồng” – bà Nguyễn Thị Thủy nói.
Bà cũng nhấn mạnh mức chi 5,5 triệu đồng cho một phiên tòa sơ thẩm là mới chỉ tính riêng tiền lương, tiền công để trả cho các cán bộ tư pháp. Còn nếu tính đầy đủ mức chi để mở được một phiên tòa sơ thẩm, cũng như việc không phải mở phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách số tiền lớn hơn nữa.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải tại tòa án nhiều nước quy định không thu phí hòa giải, song cũng có nước quy định thu nhưng mức thu thấp hơn nhiều so với án phí xét xử. Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị chưa định thu phí hòa giải tại tòa án để khuyến khích các bên lựa chọn phương thức này.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) phân tích, người Việt Nam quan niệm “một trăm cái lý không bằng 1 tí cái tình”, “đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm”. Việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải phù hợp với đạo đức, phong tục tập quán của người Việt.
Với kinh nghiệm từng tham gia hòa giải tại cơ sở, đại biểu cho rằng, khi hòa giải thành khiến mỗi con người trở nên hiền hòa, nhân hậu, bao dung hơn, từ đó sẽ giảm lượng án phải đưa đến tranh chấp giải quyết tại tòa.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), đối thoại tại Tòa án là một cơ chế mới. Do đó, để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về tính hiệu quả, để Luật sớm đi vào cuộc sống và thu hút sự tham gia của đông đảo các cá nhân, cơ quan tổ chức thì trước mắt chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại là phù hợp.
Bởi quy định này thể hiện tính ưu việt của chế độ, của chính sách Nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội và tính nhân văn của pháp luật Việt Nam./.
Theo Kim Anh/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/toa-an-hoa-giai-thanh-cong-tiet-kiem-ngan-sach-hang-tram-ty-dong-982857.vov