GS Đặng Hùng Võ: "Tôi thấy có gì đó không bình thường khi cứ bấu víu vào Nhà nước để có được một tổ chức mà mình vẫn được làm lãnh đạo...".
Trên diễn đàn Quốc hội, đề cập vai trò cũng như hoạt động của các Hội trong phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Quốc hội nên quan tâm, xem xét lại các Hội hiện nay. Theo ông, Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích vì đất nước, nhưng quá trình tổ chức hoạt động lại có nhiều chuyện để bàn. Có những Hội không những không làm cho tổ chức mạnh hơn mà còn gây khó khăn cho tổ chức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích vì đất nước, nhưng quá trình tổ chức hoạt động lại có nhiều chuyện để bàn...." (Ảnh: Chinhphu.vn)
Nêu thực tế ở ngay lĩnh vực do mình quản lý, có đến 90% Thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập Hội và đều xung phong làm Chủ tịch Hội với tinh thần “tự nguyện, tự quản, tự cung, tự cấp” nhưng thực tế gần như ngược lại, không có Hội nào tự quản, tự chủ hết mà Hội nào cũng bám vào trụ sở, có Hội trụ sở chính, có Hội trụ sở phụ. Có Hội khi bị yêu cầu trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích rộng hơn, chưa kể phương tiện đi lại đủ các loại.
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức Hội. Khi chưa có luật Hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt Hội đặc thù sang Hội tự chủ, tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho cho Trung ương và địa phương.
Bấu víu vào Nhà nước để có một tổ chức mà mình vẫn được làm lãnh đạo
Nhất trí với nhận xét của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng đó là thực tế khá phổ biến, hầu hết các Thứ trưởng, thậm chí cả Bộ trưởng khi về hưu cố gắng thành lập một hội gì đó để tiếp tục lãnh đạo. Nhiều hội được lập ra để giải quyết khâu oai vì thế nên hoạt động không thực chất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ (Ảnh: An Nhi)
“Không hẳn việc lập ra Hội để làm “sân sau” cho Bộ, nhưng đôi khi các Bộ cần một ý kiến đồng thuận với chủ trương của mình cũng gửi lấy ý kiến của các Hội, coi như ý kiến của nhân dân. Như thế cũng có thể coi Hội như một cánh tay nối dài của Bộ quản lý ngành đó. Còn có cái hội nào đó được sử dụng với ý nghĩa “sân sau” cho việc rửa tiền thì tôi không rõ, nhưng chắc nó không phải là phổ biến, không đen tối đến như vậy”, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, sở dĩ có những hội được lập ra nhưng hoạt động không hiệu quả là bởi Nhà nước cứ “ôm” lấy nó dù không chính thức.
“Theo tôi, ở đây có gì đó không bình thường, cứ bấu víu vào Nhà nước để có được một tổ chức mà mình vẫn được làm lãnh đạo. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng Nhà nước phải xem xét việc giải tán. Chứ về nguyên tắc của Hội là nếu không đủ năng lực hoạt động nó sẽ tự giải tán. Chúng ta đang nhìn góc độ Hội dưới con mắt quản lý của Nhà nước kiểu bao cấp chặt chẽ. Sự thực mà nói, đó là câu chuyện mang tính xã hội, nó đủ kinh phí, nó hoạt động hiệu quả thì nó sẽ tồn tại được và ngược lại”.
GS Võ nhận định, đồng thời cho rằng, việc có xem xét giải tán bớt các hội hoạt động không hiệu quả hay không là trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Khi chưa có luật về lập Hội, với tư cách là nơi quản lý, Bộ Nội vụ phải tự rà soát, thấy mình ra quyết định thành lập cái nào không hợp lý thì quyết định giải tán.
Nên tổ chức lại các Hội
Chia sẻ quan điểm về ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói rằng “đấy là Bộ trưởng tế nhị nói thế, chứ thực tế không chỉ có Thứ trưởng, mà có cả cấp cao hơn”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Hoàng Lê)
Theo vị cựu Đại biểu Quốc hội, với nhiều Hội, việc thành lập không đơn giản. Nhân sự lãnh đạo Hội, ai là Chủ tịch, Phó Chủ tịch đều phải được trên duyệt cả. Người được lựa chọn để đứng đầu một Hội phải là những người đã từng giữ cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, Thứ trưởng là còn thấp. Có những hội chuyên môn, lãnh đạo phải là nhân sự trong Trung ương, Bộ trưởng, thậm chí có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Thế nên không hoàn toàn do các Thứ trưởng, nhiều khi anh em muốn thành lập Hội còn phải đi vận động các ông Thứ trưởng, có người muốn làm nhưng cũng có người không muốn. Trong khi đó, người ta vẫn đánh giá Hội này tương đương cấp này, cấp kia thế nên đi kèm với đó vẫn là tiêu chuẩn, chế độ ô tô và một số quyền lợi khác.
"Nhận xét của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về thực tế hoạt động của nhiều Hội hiện nay vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước điều đó rất đúng. Đáng lẽ Hội phải là tổ chức tự nguyện của những người tham gia và những người đó tự đóng hội phí hoặc kêu gọi tài trợ để hội hoạt động như thế mới đúng nghĩa hội quần chúng, mới phát huy được sức mạnh về trí lực, tài lực của người dân để phát triển đất nước. Còn Hội mà vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, dù không dựa hoàn toàn, nhưng dựa về trụ sở, phương tiện vẫn là ngân sách nhà nước, như thế là không đúng".
GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm, đồng thời cho rằng: “Với thực trạng Hội như hiện nay thì đúng là không nên lập nhiều mà nên tổ chức lại. Phải sớm ban hành luật về Hội. Thứ nhất để đảm bảo việc thực hiện quyền tự do lập hội của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, miễn là tôn chỉ, mục đích của những hội ấy không trái với quyền lợi của đất nước, của nhân dân, hoạt động đúng pháp luật. Thứ hai, có luật để đảm bảo Hội được lập ra phải hoạt động đúng tư cách Hội, hoạt động bằng sự tự nguyện của các hội viên, kinh phí tự lo, không thể dựa vào Nhà nước, ngược lại Nhà nước không thể hành chính hóa các hội. Vấn đề ở đây là chủ trương, chúng ta cần có sự thay đổi, kể cả phía Nhà nước"./.
Theo Hà Thanh/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/quan-chuc-nghi-huu-lay-hoi-lam-ben-do-de-van-duoc-lam-lanh-dao-981870.vov