Cử tri mong muốn Bộ trưởng sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm giải quyết những tồn tại của ngành
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vào sáng 6/11, nhiều cử tri Hải Phòng đánh giá, Bộ trưởng đã trả lời đúng và trúng những vấn đề các đại biểu và cử tri quan tâm, khẳng định nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có bước phát triển mạnh trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
Tuy nhiên, một số cử tri cũng bày tỏ băn khoăn và mong muốn Bộ trưởng sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm giải quyết những tồn tại của ngành, như ý kiến của ông Nguyễn Hữu Bang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
"Bộ trưởng cũng nhìn nhận được tồn tại trong ngành của mình, ví dụ: sản phẩm cao su, cà phê hay việc giữ thương hiệu bền vững cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn về vấn đề giải quyết sản phẩm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, không phải chỉ tập trung vào khâu chế biến mà phải tập trung cả vào khâu chọn giống, chăm sóc và khâu chế biến thì mới ra sản phẩm bền vững, không những đáp ứng thị trường trong nước mà còn cả thị trường nước ngoài", cử tri Nguyễn Hữu Bang nêu ý kiến.
Về 7 nhóm vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nhiều cử tri tại Điện Biên đặc biệt quan tâm đến nội dung chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cùng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Cử tri Văn Đức Thành, tại tổ 4, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ, đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc phải coi đầu tư bền vững cho ứng phó với biến đổi khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất vì thời gian qua biến đổi khí hậu đã gây hậu quả rất nặng nề đối với khu vực miền núi và có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
"Bộ trưởng nói trong thời gian tới sẽ ưu tiên về các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu gắn với nông thôn mới, theo tôi, ngoài việc tuyên truyền vận động để người dân thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên thì Bộ trưởng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để cho người dân thay đổi nhận thức. Vì tất cả những hậu quả xảy ra của ngày hôm nay là do tác động với thiên nhiên của con người", cử tri Văn Đức Thành bày tỏ.
Đối với nội dung trả lời về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cử tri Phạm Đức Hạnh, tổ 21, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ nhận định: "Mạng lưới thú y ở cơ sở trong thời gian vừa qua chúng tôi thấy thiếu, mỏng nên các dịch bệnh xảy ra rất lớn, gây hậu quả thiệt hại nhiều đối với bà con nông dân. Ngay như Điện Biên, sau khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành trong cả nước, cũng đã diễn ra rất nhanh ở cả 10/10 huyện, thị xã, thành phố, gây thiệt hại rất nặng nề với bà con nông dân, nhiều vùng không có khả năng tái sản xuất đàn. Rất mong muốn Bộ trưởng và Quốc hội sẽ tìm ra những giải pháp như thế nào đó nâng cao hiệu quả của mạng lưới thú y, để tránh xảy ra các dịch bệnh lớn, gây tổn hại đến bà con nông dân như vừa rồi".
Theo dõi phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cử tri Nguyễn Tiến Vinh ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nêu ý kiến: "Tôi thấy các đại biểu chất vấn rất thẳng, sát với đời sống thực tế của người dân và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cũng rất trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, là người dân vùng cao, chúng tôi rất mong các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra giải pháp, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa đối với sản xuất nông nghiệp"
Theo dõi phiên trả lời chất vấn sáng nay (6/11) của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, về biện pháp tháo gỡ thẻ vàng EC đối với nuôi trồng thủy sản, nhiều cử tri hết sức đồng tình, đặc biệt là vấn đề phát triển hải sản bền vững. Cử tri Nguyễn Thị Liên, chủ 20 tàu hành nghề lưới kéo ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: "Những người nuôi trồng thủy sản thì người ta xuất Châu Âu nhiều, còn cá của tàu lưới kéo không bán được Châu Âu, đa số bán nội địa. Chủ tàu như tôi cũng phải quản lý được tài công chứ, đi tầm bậy chủ cũng biết mà. Ở thời điểm này chủ tàu cá nào cũng khổ như nhau, phải có sự hỗ trợ để ngư dân có động lực”./.
Theo VOV.VN