Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công.
Quang cảnh phiên họp sáng 30/10. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bức tranh kinh tế-xã hội tổng quan năm 2019 đã được các đại biểu phân tích khá thấu đáo trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 30/10.
Nhiều ý kiến đánh giá từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công.
Cải cách mạnh mẽ để không tụt lại phía sau
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu lên một số chỉ số quan trọng, trong đó, cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%; thất nghiệp dưới 4%; tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên… Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa thể yên tâm với những con số này. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nhìn kỹ vào ngành chế biến chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng năm 2019, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9/2019 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.
“Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?” đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu phân tích, 9 tháng qua, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở hai đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. “Việc chúng ta chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau,” đại biểu cảnh báo.
Liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, ở Việt Nam, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng ở khu vực kinh tế tư nhân đang có nghịch lý lớn: Chỉ có trên 700.000 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
“Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy,” đại biểu nói.
Theo đại biểu, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh… Trong quan hệ nội bộ, hộ kinh doanh đang thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt…
“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta và cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay,” đại biểu cho biết.
Cũng nêu quan điểm về tình hình phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiện nay, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết trong 9 tháng năm 2019, vốn đầu tư ở khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, đóng góp trên 40% GDP, tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, kinh tế trong khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được, chưa thể hiện là trụ cột mới của nền kinh tế.
Để giải quyết nút thắt này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân đã được ban hành như Nghị quyết số 10 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch điều hành phiên họp sáng 30/10. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại biểu đặt câu hỏi: “Những chính sách đó đã đúng và trúng để giải bài toán nâng cao năng lực của khu vực này chưa? Tại sao phần lớn các doanh nghiệp đều không thể tiếp cận hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định?”
Từ đó, đại biểu đề nghị, cần có sự đột phá về cơ chế chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực hỗ trợ đất đai, nguồn vốn tín dụng đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và có chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng đồng thời, cần xác định chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia sâu vào những lĩnh vực lâu nay vốn là độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…, đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa lôi kéo các thành phần kinh tế khác, hỗ trợ tính thị trường, tạo ra sân chơi cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng tiếp cận trong nguồn tài nguyên…
Nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học
Cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ổn định nhưng vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, tuy nhiên, xét về số tuyệt đối, GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.
Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm. Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.
“Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi, đồng thời nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình,” đại biểu Hoàng Quang Hàm lưu ý.
Trong điều kiện thế giới và khu vực nhiều biến động, khó lường, đại biểu cho rằng, giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại biểu nêu lên ba vấn đề cốt lõi cần giành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được, cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ.
Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy cần phải có kênh nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro, vì theo thống kê, chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công, còn 94% là thất bại, nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn. Ba vấn đề không mới, đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến, đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng, đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây, cần giao thêm chỉ tiêu GNI “thu nhập quốc dân” để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, có tiền không tiêu được, xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận định nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn cho thấy, lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.
Theo đại biểu, cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm; trình danh mục và mức vốn của từng dự án là luật định và cần thiết để Quốc hội thảo luận, quyết nghị định hướng, nguyên tắc, giao cho Chính phủ rà soát, quyết định nên Chính phủ cần quan tâm thực hiện ít nhất là đối với vốn ngân sách nhà nước. Công tác này, theo đại biểu, vẫn là Chính phủ quyết định nhưng phải trình để Quốc hội thảo luận./.
Theo Thu Phương-Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)