Lực lượng chức năng bắt giữ 230 vụ, 321 người liên quan tới hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí tự chế, nhưng không thể xử lý hình sự vì thiếu chế tài.
Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, tội phạm nghiêm trọng đa phần là người có hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí tự chế, như súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải... Các loại vũ khí này có tính sát thương cao, cũng không loại trừ trường hợp sử dụng để khủng bố.
"Hành vi này nếu không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội", ông Tô Lâm nói và nhấn mạnh, việc sửa, bổ sung quy định khái niệm về "vũ khí tương tự vũ khí quân dụng" là để có chế tài xử lý các hành vi nêu trên.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Góp ý kiến, ông Ngô Thanh Danh - Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông kể lại chuyện xảy ra tại tỉnh này cách đây hơn 10 năm, một trường hợp sử dụng vũ khí tự chế tạo bắn chết 3 người, bị thương 16 người, trong đó 14 người phải nhập viện. Từ thực tế này, ông Danh nhận xét, quản lý vật liệu nổ, súng tự chế còn kẽ hở, nếu không quản lý chặt và có chế tài xử nghiêm sẽ dẫn tớ nhiều hệ luỵ.
Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin thêm, nhà chức trách địa phương đã phát hiện nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế, như súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút, súng ổ xoáy... Theo ông Cầu, hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe, tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng "vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng" sẽ bị truy tố, điều tra. "Đây là khoảng trống pháp lý", ông Cầu nói.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó chính uỷ Quân khu 7 đề nghị quy định rõ thế nào là "vũ khí tương tự vũ khí quân dụng" để tạo sự đồng bộ, khả thi trong áp dụng pháp luật.
Theo ông Hoàng, nếu chỉ sửa quy định trong Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Bộ trưởng Quốc phòng phải ban hành lại danh mục vũ khí, gồm cả vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng mới đủ căn cứ xử lý hình sự các vi phạm.
Việc ban hành lại danh mục này, ông Hoàng nói, sẽ khó khả thi, bởi vũ khí tương tự vũ khí quân dụng muôn hình vạn trạng, "nay thế này, mai thế kia, Bộ Quốc phòng khó chạy theo kịp để công bố danh mục".
Dự kiến ngày 14/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung nêu trên.
Theo Hoàng Thuỳ - Anh Minh/VnExpress