Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái có báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.
Việc truy tố 2 nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm trong đấu tranh PCTN
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.
Cùng đó, các cơ quan chức năng chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích kẻ phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để được hưởng khoan hồng.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, trở thành ưu tiên hàng đầu trong các vụ án tham nhũng kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Báo cáo nêu, trong năm, tổng số tiền phải thi hành là hơn 10.198 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện là hơn 7.378 tỷ đồng, hiện mới thi hành xong hơn 235 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 3,19%). Trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019 mới thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73%.
Để nâng cao hiệu quả PCTN, trong năm 2020, Chính phủ sẽ rà soát, xác định rõ cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan chống tham nhũng. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT…
Nhiều dự án lớn trong “tầm ngắm”
Theo kế hoạch vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc công bố, trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 146 cuộc kiểm toán. Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình như các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TPHCM; đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…
Kiểm toán nhà nước cùng dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong đó có việc quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT.
Lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Điện lực TPHCM... Trong lĩnh vực ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn như Ngân hàng NN-PTNT; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam...
Theo Thành Nam/Tiền phong