Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019 các bộ ngành, địa phương đã thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại với 131 trường hợp; thu hồi, huỷ bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận 176 trường hợp. Ngoài ra, 15 trường hợp xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc và 645 trường hợp rút kinh nghiệm.
Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 của Thanh tra Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định cho phù hợp với thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Bộ Nội vụ đã tiến hành 27 cuộc thanh tra, kiểm tra về những nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước và Bộ Nội vụ; tiến hành 6 cuộc thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
(Minh hoạ: Ngọc Diệp)
Một số bộ ngành, địa phương đã thực hiện những biện pháp cụ thể để xử lý những sai phạm được phát hiện: 131 trường hợp thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, huỷ bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp thu hồi, huỷ bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức; 896 trường hợp biện pháp xử lý khác.
Ngoài ra 15 trường hợp xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc và 645 trường hợp rút kinh nghiệm.
Trong năm 2020, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thực hiện nghiêm, có hiệu quả quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Báo cáo cũng phản ánh, Bộ Nội vụ đã triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, các tỉnh, triển khai xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 82,99%; tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% đến 97,88%. Do đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng gần một nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu của cách hành chính là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
Thu hồi tài sản đạt tỷ lệ chưa cao
Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao. Trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 9.454/68.856 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Điển hình như vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề dân sự có liên quan đến vụ án. Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và các đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng, TPHCM còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong việc xác định thiệt hại và áp dụng biện pháp tư pháp.
Hay như việc yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan điều tra trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hay Tổng công ty PVC…
Việc thu hồi tài sản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh, Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Thanh tra Chính phủ nêu ví dụ chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản đối với các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam,…
“Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu”- báo cáo nêu rõ.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đầu tư theo hình thức BT, BOT, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Cơ quan thanh tra còn đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng; kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng; tăng cường biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài.
Theo Thế Kha/Dân trí